Phát hiện quan trọng về sân thiết triều tại Hoàng thành Thăng Long

Kết quả khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long cho thấy, sân thiết triều thời Lê không phải là một quảng trường đồng nhất về mặt bằng mà có phân cấp. Các nhà khoa học cũng tìm thấy những viên gạch lát đường ngự đạo (đường vua đi) bằng gạch đỏ, kích cỡ rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học thảo luận về kết quả khảo cổ học Hoàng thành thăng Long 2022.
Các nhà khoa học thảo luận về kết quả khảo cổ học Hoàng thành thăng Long 2022.

Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2022”.

Nghiên cứu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là một nội dung quan trọng trong cam kết của Chính phủ với UNESCO khi Hoàng thành Thăng Long được ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Năm 2022, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò 990m2 thuộc khu vực đông bắc nền điện Kính Thiên. Đây chính là một phần của không gian sân Đan Trì, tức sân thiết triều xưa.

Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ nhiệm công trường khai quật cho biết, tương tự như mọi năm, hố khai quật đã làm lộ rõ các dấu tích kiến trúc chồng lấp lên nhau, trải dài qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn.

Trong các phát hiện khảo cổ học, dù tìm thấy nhiều di vật, nhưng quan trọng nhất là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hàng gạch lát nền đường ngự đạo (đường dành cho vua đi) thời Lê Sơ bằng gạch vuông đỏ. Kích cỡ lớn nhất từ trước tới nay, mỗi chiều viên gạch là 56cm, dày gần 10cm. Bên cạnh ngự đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Tại hố thám sát nằm trong Nhà Cục Tác chiến (kiến trúc cũ được người Pháp xây dựng, sau này được Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng sử dụng một thời gian), lần đầu tiên các nhà khoa học cũng tìm thấy hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều đông-tây. Các nhà khoa học đặt giả thiết đây hàng gạch bó nền ngăn sân Đan Trì làm các cấp khác nhau.

Dấu tích quan trọng thời Lý là hệ thống móng tường rất lớn chạy theo hướng đông-tây. Hệ thống móng này cho thấy, bức tường có thể cao đến 3,5m, có lợp ngói. Song song với bức tường là hào nước rộng (đã phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ trước và tiếp tục xuất lộ trong cuộc khảo cổ này) 2m và sâu 2m. Ngoài ra còn có dấu tích móng cột kiến trúc còn nguyên chân tảng đá hoa sen, nền lát gạch vuông còn lại khá nguyên vẹn. Như vậy, bức tường và hào nước này có vai trò gì là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Đặc biệt, phát hiện này cũng khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn về nơi thiết triều thời Lý liệu có trùng với nơi thiết triều thời Lê (điện Kính Thiên) hay không. Bởi không gian thiết triều hiếm khi có bức tường chạy ngang trước mặt như thế.

Kết quả này giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sân thiết triều, đường ngự đạo thời Lê, dù hiểu biết vẫn còn không ít hạn chế. Để làm rõ hơn giá trị di sản, trong đó có không gian điện Kính Thiên, sân thiết triều thời Lê, các nhà khoa học đề xuất tiếp tục nghiên cứu khảo cổ, khẩn trương hạ giải Nhà Cục Tác chiến để phục vụ công tác nghiên cứu. Bởi những giá trị tiêu biểu nhất của Hoàng thành Thăng Long chính là ở trung tâm quyền lực lâu đời, kéo dài xuyên suốt nhiều thế kỷ; là minh chứng về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại. Nếu không hoàn trả mặt bằng, rất khó có thể tiếp tục nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ của các triều đại trước.