Nỗi lo dai dẳng của nước Mỹ

21 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ, thế giới vẫn chứng kiến những mối đe dọa an ninh trên toàn cầu. Với các chiến dịch chống khủng bố được gia tăng cả về mức độ và quy mô, Mỹ cùng các đồng minh nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố. Song, nỗi lo khủng bố vẫn thường trực, dai dẳng.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ Mỹ treo tại Lầu Năm Góc ở Washington, Mỹ, ngày 11/9/2022, trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. (Ảnh: Reuters)
Cờ Mỹ treo tại Lầu Năm Góc ở Washington, Mỹ, ngày 11/9/2022, trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. (Ảnh: Reuters)

Thảm kịch ngày 11/9/2001 nhằm tòa tháp đôi ở New York của Mỹ không chỉ là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân Xứ Cờ hoa, mà còn nhắc nhớ con người về nỗi đau do khủng bố gây ra và mối đe dọa vẫn hiện hữu.

Mỹ và nhiều nước bị cuốn vào một cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện 11/9. Các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ và đồng minh được tiến hành ở mọi nơi, mọi ngõ ngách, với "điểm nóng" là Iraq, Syria, Afghanistan, cùng nhiều nước châu Phi…

Hơn hai mươi năm qua, Mỹ giữ vai trò dẫn dắt liên minh chống khủng bố toàn cầu, với cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Sau khi tiêu diệt được thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden (Ô.Bin La-đen) hồi tháng 5/2011, ngăn chặn đáng kể các vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, cũng như làm suy yếu IS ở Iraq và Syria, Mỹ tiếp tục các cuộc truy lùng, truy quét khủng bố ở khắp nơi.

Thủ lĩnh khét tiếng của IS Abu Bakr al-Baghdadi (A.Bát-đa-đi) đã bị tiêu diệt hồi tháng 10/2019 và gần đây nhất, tháng 7 vừa qua, Ayman al-Zawahiri (A.Da-oa-hi-ri), thủ lĩnh Al-Qaeda đã bị tiêu diệt trong một trận không kích bằng máy bay không người lái do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành.

Cuộc chiến chống khủng bố được cựu Tổng thống Mỹ George Bush (G.Bu-sơ) phát động sau sự kiện 11/9/2001 đã "ngốn" của nền kinh tế số 1 thế giới từ 6.400 đến 8.000 tỷ USD, chủ yếu phục vụ các cuộc chiến ở Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, Yemen và châu Phi.

Quân đội Mỹ sa lầy ở Afghanistan, phải đến ngày 31/8/2021 mới có thể hoàn tất việc rút quân sau hai mươi năm tham chiến đầy tốn kém tại quốc gia Nam Á này.

Mặc dù Washington tuyên bố khép lại kỷ nguyên sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan, xóa sổ sào huyệt của các tổ chức khủng bố ở nhiều nơi, song thực tế mối nguy khủng bố vẫn rình rập, đe dọa an ninh và lợi ích của Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Trong bối cảnh mối đe dọa đối với nước Mỹ xuất phát từ các nhóm cực đoan vẫn hiện hữu với "muôn hình vạn trạng", nước Mỹ đã và vẫn đang trong một cuộc chiến chống khủng bố kéo dài.

Những năm qua, các tay súng cực đoan vốn được "truyền cảm hứng" từ các phần tử thánh chiến ở các "lò luyện" tại Iraq, Syria, Libya xuất hiện như "nấm sau mưa", các phần tử "sói cô đơn" tiến hành nhiều vụ khủng bố. Mỹ đứng trước thách thức lớn là tiếp tục xây dựng năng lực chống khủng bố linh hoạt hơn để đối mặt hàng loạt mối đe dọa.

Tháng 11/2001, Mỹ đã phê chuẩn thành lập Cơ quan Quản lý An ninh vận tải (TSA) chịu trách nhiệm kiểm tra sân bay nhằm giải quyết vấn đề an ninh. Chiến lược quốc gia chống khủng bố năm 2018 và Chiến lược quốc gia chống khủng bố nội địa công bố lần đầu tiên hồi tháng 6/2021 được xem là các bước đi mới hiệu quả của Mỹ trong nỗ lực này.

Cùng với việc dàn sức chống khủng bố ở nhiều khu vực trên thế giới, Mỹ cũng siết chặt an ninh trong nước, từ việc thay đổi các quy định về an ninh sân bay cho tới những hoạt động bình thường của cuộc sống hằng ngày như đi lại, ra vào các tòa nhà. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) cam kết sẽ duy trì cuộc chiến chống khủng bố không chỉ ở Afghanistan, mà còn ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Sự kiện 11/9 để lại vết thương sâu với nước Mỹ và cường quốc số 1 thế giới vẫn thường trực nỗi lo khủng bố. Mặc dù Washington tuyên bố đã giành thắng lợi trong các cuộc chiến chống khủng bố ở nhiều nơi, song thực tế cuộc chiến này vẫn dai dẳng và tiếp tục là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nước Mỹ ■