Gần 625 tỷ đồng xây dựng Cảng tàu khách quốc tế
Quy mô đề xuất đầu tư dự án nằm trên khu đất khoảng 68.618 m2, thuộc Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4, bao gồm toàn bộ khu 3 và một phần cầu K10 kéo dài đến đường Nguyễn Tất Thành.
Dự án được thực hiện trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tiểu khu Cảng Quận 4, các phường 12, 13 và 18, Quận 4 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6331/QĐ-UBND ngày 30/11/2015.
Dự án khi hình thành sẽ bảo đảm cho việc tiếp nhận tàu khách quốc tế, tàu du lịch có sức chở 1.000 hành khách; đồng thời, có thể tiếp nhận tàu khách quốc tế, tàu du lịch có trọng tải đến 30.000 GT, neo đậu du thuyền. Dự án còn xây dựng các khu phức hợp phục vụ quản lý, khai thác như:
Khu phức hợp bến phà gồm công trình dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi; khu phức hợp dịch vụ quản lý, điều hành; khu phức hợp xe buýt và bãi xe bến phà; khu vực quảng trường...
Theo Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 624,9 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2025-2027. Hiện công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đang được tiến hành khẩn trương và dự kiến sẽ hoàn thiện và trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét trong quý III/2024.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn Nguyễn Lê Chơn Tâm nhấn mạnh:Khi bến tàu khách quốc tế hiện đại hình thành dọc theo khu Nhà Rồng-Khánh Hội sẽ góp phần cải tạo cảnh quan đô thị sông nước cho thành phố; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và du lịch ven sông, phát triển du lịch đường thủy trở thành sản phẩm đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, thời gian qua, Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội (trực thuộc Cảng Sài Gòn) cũng thường xuyên đón các tàu khách du lịch quốc tế (tải trọng trên 30.000 GT) có trọng tải lớn như tàu SEABOURN ENCORE có chiều dài 210m, chiều rộng 28m, số lượng từ 960 đến 1.070 khách; tàu AZAMARA ONWARD, quốc tịch Malta chiều dài 181m, với 400 thuyền viên và hơn 600 khách; tàu SILVER SHADOW quốc tịch Bahamas đến từ cảng Kota Rinabalu (Malaysia), chiều dài 186m với 290 thuyền viên, 300 khách.
Ngoài ra, còn có các tàu khách nội địa, các tàu nhà hàng phục vụ thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn hoạt động về đêm, tạo nên sự sôi động cho khu vực này.
Nghiên cứu của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cho thấy, lượng hành khách đi bằng đường biển vào khu vực sông Sài Gòn trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước khoảng 101.500 hành khách (81.200 khách quốc tế và 20.300 khách nội địa).
Với lưu lượng hành khách như dự báo, ngoài phương án khai thác bến phục vụ cho khách đường biển và đường sông quốc tế thì dự án còn đặt mục tiêu tiếp nhận cả hành khách nội địa khác sử dụng khai thác tuyến vận tải hành khách nội địa, trong khu vực nội đô và các tuyến vận tải khách kết nối vùng từ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Côn Đảo để đạt được lưu lượng hành khách thông qua bến.
Gắn quy hoạch Cảng với tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4
Theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, việc đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng-Khánh Hội nhằm thực hiện yêu cầu của Chính phủ về di dời cảng và chuyển đổi công năng thành cảng hành khách quốc tế và nội địa có quy mô hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy của thành phố.
Dự án khi triển khai còn thực hiện chủ trương di dời một số khu cảng trực thuộc Cảng Sài Gòn theo chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thông báo số 761 ngày 12/8/2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi kết luận: Thống nhất nghiên cứu quy hoạch vị trí Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội là Cảng tàu khách quốc tế.
Liên quan đến quy hoạch Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội là Cảng tàu khách quốc tế, mới đây, Sở Giao thông vận tải thành phố đã đề xuất Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố khẩn trương nghiên cứu và cập nhật quy hoạch về Cảng tàu khách quốc tế tại Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở xác định tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4.
Hiện, thiết kế tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 chưa được “chốt” dù có đến năm phương án do Sở Giao thông vận tải lập để đầu tư xây dựng. Nhiều ý kiến của chuyên gia đầu ngành cho rằng, nếu tĩnh không cầu là 10 hoặc 15m sẽ không phù hợp vì các tàu khách, tàu du lịch có tải trọng lớn khó có thể đi qua để cập Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, nhất là nơi đây sẽ thực hiện quy hoạch là Cảng tàu khách quốc tế.
Thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 nếu không xem xét và cân nhắc thấu đáo còn ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai. Do đó, thiết kế tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 sẽ quyết định sự phát triển của khu vực Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, cũng như cần gắn với quy hoạch Cảng tàu khách quốc tế khi đầu tư xây dựng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết: Hiện nay, khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn Quận 1 và quận Bình Thạnh, chưa kết nối được với Quận 4, Quận 7 và khu đô thị nam thành phố.
Do vậy, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được thành phố xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, khi dự án hoàn thành sẽ tạo thêm một trục giao thông mới theo hướng đông nam thành phố, kết nối khu vực nam thành phố với khu trung tâm và thành phố Thủ Đức ở phía đông; qua đó giảm áp lực giao thông cho các trục đường Nguyễn Tất Thành-cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ...