Nỗ lực vượt khó để hoàn thành các mục tiêu

Sau một năm nỗ lực vượt khó, kinh tế Hà Nội phục hồi và phát triển nhanh, thành phố đã hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Trong bối cảnh năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thành phố đã xây dựng ba kịch bản, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7% với quyết tâm cao nhất hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Sau một năm nỗ lực vượt khó, kinh tế Hà Nội phục hồi và phát triển nhanh, thành phố đã hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Trong ảnh: Sản xuất bóng đèn LED tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Ðông. (Ảnh ÐĂNG DUY)
Sau một năm nỗ lực vượt khó, kinh tế Hà Nội phục hồi và phát triển nhanh, thành phố đã hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Trong ảnh: Sản xuất bóng đèn LED tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Ðông. (Ảnh ÐĂNG DUY)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16, kinh tế Thủ đô năm 2022 đã phục hồi và phát triển nhanh; các cân đối lớn được bảo đảm. Ðáng chú ý, 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành, trong đó có năm chỉ tiêu vượt mức đề ra. GRDP phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2022 ước đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP; có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 25%), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 351 nghìn doanh nghiệp. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; tạo việc làm cho hơn 56.000 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ hơn 1.400 hộ thoát nghèo, 6.670 hộ thoát cận nghèo… Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, chỉ trong vòng 10 tháng sau khi mở cửa, nền kinh tế đã có cố gắng nỗ lực đạt được lĩnh vực dịch vụ, sản xuất thực hiện tốt, từ đó tạo nguồn thu ngân sách.

Năm 2023, trong bối cảnh chung của tình hình thế giới và khu vực, thành phố Hà Nội xác định bên cạnh những thuận lợi, vẫn có những khó khăn, thách thức. Cùng với thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", Ủy ban nhân dân thành phố đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu (với năm nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa-xã hội và bốn nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường). Thành phố đã xây dựng ba kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7% (chỉ tiêu cả nước tăng khoảng 6,5%), GRDP/người khoảng 150 triệu đồng, giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022.

Tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố đang diễn ra, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp để có thể hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023.

Bày tỏ ấn tượng với những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh đánh giá: Thành phố đã hoàn thiện các thể chế phát triển Thủ đô, bảo đảm phù hợp thực tiễn; bên cạnh tăng trưởng về kinh tế, các lĩnh vực an sinh xã hội cũng được phát triển rất đồng đều. Trước thực trạng tiến độ giải ngân đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, đại biểu Lê Ngọc Anh gợi mở, để thúc đẩy công tác giải ngân đầu tư công, nhất là các huyện khu vực phía nam thành phố, thời gian tới, thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện, tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư Khu công nghiệp Nam Hà Nội.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường lưu ý, thành phố cần có kịch bản để ứng phó với các vấn đề đổ vỡ trái phiếu và bất động sản; đặt ra kịch bản cho tình hình kinh tế hiện nay. Những tháng cuối năm, thị trường lao động, thu ngân sách chững lại; hàng loạt doanh nghiệp FDI, dệt may, da giày chưa ký được hợp đồng, phải cho công nhân nghỉ việc. Ở các khu công nghiệp, đã có lao động luân phiên nghỉ việc, chúng ta phải có giải pháp ứng phó với tình trạng này. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Trần Ðức Hoạt bày tỏ lo ngại khi nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn không đạt tiến độ đề ra, ít công trình đi vào sử dụng. Nêu lên những điểm nghẽn trong giao đất, đấu giá, đấu thầu, đầu tư công vẫn chưa giải quyết, đại biểu đề nghị thành phố cần phải là địa phương đi đầu cùng Chính phủ tháo gỡ. Có tiền đầu tư đã khó, nhưng khi có mà không sử dụng được còn là vấn đề đáng suy nghĩ hơn.

Ðối với Dự án đường vành đai 4, một công trình trọng điểm của thành phố, nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần dự báo về công tác phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Trước mắt, thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý ngay các vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng; có kịch bản cụ thể, xử lý đơn thư, khiếu nại nhằm triển khai cao nhất trong giải phóng mặt bằng cho dự án về đích đúng tiến độ. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị thành phố cần rà soát, điều chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục; đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế để phù hợp với phát triển Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng cơ chế tự chủ cho hai lĩnh vực này. Mặt khác, trong thực hiện cải cách hành chính cần gắn chặt với đề án phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính thông suốt từ thành phố đến cơ sở.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng lưu ý, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2020-2025, đây cũng là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Ðảng các cấp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình thế giới, cho nên một số mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17 đặt ra khó có thể thực hiện được. Do đó, thành phố cần phải có tính toán lại các chỉ tiêu khi đánh giá giữa nhiệm kỳ cho phù hợp với tình hình thực tế với quyết tâm vượt khó, nỗ lực thực hiện cao nhất.