Tuyên Quang phát huy hiệu quả chính quyền số

NDO - Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã…
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ công an hướng dẫn người dân đăng ký định danh điện tử.
Cán bộ công an hướng dẫn người dân đăng ký định danh điện tử.

Thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong các lĩnh vực đến từng cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet, đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ.

Từ đó, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Từ khi xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và lấy chuyển đổi số là khâu đột phá hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Người dân trên địa bàn đã được cán bộ xã đến tận nhà để hướng dẫn đăng ký, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, người dân đã và đang thay đổi tư duy về phương thức thực hiện.

Ông Hòa Phạm Văn Hòa ở thôn 3, xã Thái Bình cho biết, khi chuyển đổi số, công nghệ được cập nhật thì việc quản lý của nhà nước thủ tục gọn gàng hơn, chính xác hơn. Người dân sẽ đỡ vất vả trong việc quản lý, bảo quản rất nhiều các giấy tờ tùy thân trong gia đình. Như ngày xưa đi họp thì cứ phải đến từng nhà gọi nhau, nhưng bây giờ chỉ cần thông báo lên nhóm chung của thôn được lập ở Zalo thì rất nhanh, người dân cũng nắm bắt các thông tin kịp thời để giúp giải quyết các công việc ở thôn, cán bộ cũng đỡ phải đi lại nhiều. Các thủ tục hành chính chỉ cần ngồi nhà thao tác qua điện thoại là đã xử lý được.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cho biết, thực hiện xây dựng chính quyền số, hiện nay, tỷ lệ văn bản được xử lý trên môi trường mạng ở xã Thái Bình đạt 100%, việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh và người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ lập tài khoản, nộp hồ sơ, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua Zalo, Facebook... Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Tuyên Quang phát huy hiệu quả chính quyền số ảnh 1

Người dân trải nghiệm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện nay, tại Tuyên Quang, 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số. 169 điểm cầu của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã kết nối thông suốt từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Tỉnh cung cấp 1.941 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3: 282 dịch vụ, đạt 15%; dịch vụ công mức độ 4: 1.054 dịch vụ, đạt 56%. Tính đến ngày 30/9/2023, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cho thấy, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt 49%.

Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ trực tuyến vẫn còn gặp một số khó khăn như, khi đăng ký tài khoản trên dịch vụ công yêu cầu số điện thoại chính chủ; việc thực hiện quy trình thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn phức tạp, chưa có nhiều lựa chọn các ngân hàng trung gian thanh toán hoặc phương thức thanh toán khác. Giao diện trên trang website vẫn còn khá phức tạp khiến người dân sử dụng còn lúng túng nhất là đối với việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến. Cổng dịch vụ công có thiết kế giao diện web cho thiết bị di động, mặc dù vậy vẫn chưa được tối ưu hóa nên khó thao tác hơn so với máy tính.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, để khắc phục những hạn chế liên quan đến hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đặc biệt bảo đảm cập nhật, đồng bộ trạng thái hồ sơ từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh lên cổng dịch vụ công quốc gia nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực hiện. Sở đang tập trung hoàn thiện, nâng cao tiện ích của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chí thân thiện, dễ sử dụng và có tương tác với công dân một cách nhanh nhất nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các đơn vị, địa phương đã không ngừng nâng cấp hệ thống dịch vụ công cũng như chất lượng phục vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Cổng dịch vụ công tỉnh, các phần mềm dịch vụ công của địa phương thường xuyên được hoàn thiện với nhiều chức năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Trang thiết bị được cung cấp đầy đủ để cán bộ tiếp nhận và trả kết quả thực hiện, người dân giám sát, tra cứu quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình và đánh giá sự hài lòng về chất lượng dịch vụ.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.