Nỗ lực giữ sạch bãi biển Đà Nẵng

Dự án hệ thống thu gom nước thải ven biển Đà Nẵng, thuộc các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã cơ bản hoàn thiện, nhưng việc kết nối chưa đồng bộ cho nên mỗi khi mưa lớn, nước thải bẩn, hôi thối lại tiếp trục tràn ra các bãi biển khiến dư luận bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Biển Đà Nẵng luôn thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế.
Biển Đà Nẵng luôn thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế.

Những nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng trong việc giữ sạch bãi biển, cần có sự hợp tác, tuân thủ quy định của các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn và cả cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đơn vị điều hành các dự án thu gom, xử lý nước thải ven biển cho biết: Tuyến cống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành được khởi công tháng 1/2021, đến nay công trình cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính. Tuyến cống hộp thu gom nước thải được bơm chuyển về trạm xử lý, hệ thống cống thoát nước mưa và hạng mục cải tạo các cửa xả đều đã hoàn thành.

Với dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, dọc theo tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, các đơn vị thi công đã hoàn chỉnh hệ thống cống thoát nước mưa ra biển, xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về 2 trạm xử lý tại Thọ Quang và Ngũ Hành Sơn; các đốt và giếng tách nước trên tuyến cống thoát nước Trạm bơm âu thuyền Thọ Quang cũng cơ bản hoàn thành.

Các hạng mục chính như trạm bơm kết hợp nước mưa, nước thải; tuyến cống bao D1800 và D2200; tuyến cống chuyển tải D2400 đều đang giai đoạn cuối cùng. Giá trị khối lượng đã thực hiện tại dự án đạt gần 1.100 tỷ đồng, tương đương 95% kinh phí đầu tư.

Các tuyến đường ven biển đều đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải riêng, hệ thống thoát nước mưa riêng.Nước thải từ khu dân cư, các khách sạn, nhà hàng, các khu dịch vụ khác… được thu gom đưa về hai trạm xử lý. Tuy nhiên, khi có mưa lớn, hệ thống thu nước thải quá tải, tràn vào hệ thống thoát nước mưa đổ ra biển, gây ô nhiễm bãi tắm và môi trường biển.

Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết: Do hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt xây dựng đã lâu và chưa đồng bộ, trong khi đó những năm gần đây tốc độ phát triển khách sạn, nhà hàng, thương mại dịch vụ khác ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn tăng rất nhanh cho nên từ năm 2017 đã xuất hiện tình trạng quá tải, nước thải thường xuyên tràn ra biển khi có mưa lớn, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Về nguyên nhân nước thải tràn ra biển tại các cửa xả dọc tuyến Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, ông Phạm Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Trạm bơm chuyền nước thải ở khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có công suất tối đa 1.300 m3/giờ, vì vậy khi mưa lớn với lưu lượng hơn 10 mm/giờ là dẫn đến tình trạng quá tải, nước thải không bơm kịp, tràn vào hệ thống thoát nước mưa chảy ra biển qua các cửa xả gây ô nhiễm môi trường. Hiện cả 2 hệ thống thu gom nước thải và thoát nước mưa đang tồn tại song song, nhưng thiếu đồng bộ và không đáp ứng yêu cầu tách hoàn toàn nước thải ra khỏi hệ thống thoát nước mưa. Kiểm tra thực tế cho thấy nhiều khu vực cống thu nước thải trên đường Võ Nguyên Giáp, trước các khách sạn, nhà hàng lớn nhưng không có nước, mà hệ thống thoát nước mưa lại có nước dù thời tiết nắng nóng, chứng tỏ nhiều cơ sở kinh doanh, hộ dân không có hệ thống thu nước thải riêng mà đang thải chung vào hệ thống thoát nước mưa.

Mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp đi kiểm tra hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước mưa ven biển. Bí thư Thành ủy đặt ra yêu cầu là bằng mọi giá phải giữ sạch bãi biển Đà Nẵng. Đây không chỉ là vấn đề phục vụ du lịch, mà còn là bảo vệ môi trường biển, môi trường tự nhiên của thành phố, là xây dựng hình ảnh, bộ mặt, thương hiệu Đà Nẵng - thành phố môi trường. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu UBND thành phố và các cơ quan chức năng, các địa phương, trước mắt cần tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định về xây dựng hệ thống nước thải độc lập hoàn toàn với hệ thống thoát nước mưa, kết nối vào cống thu gom, xử lý; hạn chế đến mức thấp nhất việc đẩy chất thải vào đường ống thoát nước mưa, dẫn đến tràn ra biển.

Trước mắt, Sở Xây dựng, chính quyền hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tổ chức kiểm tra, rà soát lại hệ thống máy bơm, bảo đảm công suất đủ lớn để vận hành toàn hệ thống, khắc phục tình trạng tràn nước mưa ra biển; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư đường ống thu gom nước thải đưa vào hệ thống của thành phố đã đầu tư, xử lý trước khi trả nước sạch ra môi trường. Công ty Môi trường đô thị phải bảo đảm việc nạo vét sạch sẽ khu vực lòng cống thu nước thải, hạn chế đến mức thấp nhất chất thải tồn đọng trong cống, đến khi mưa to, chất thải tràn vào hệ thống thoát nước mưa chảy ra biển. Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Đà Nẵng phải có giải pháp xử lý tình huống khi mưa lớn, nước thải tràn vào hệ thống thoát nước mưa.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ cơ sở căn hộ cho thuê trên đường Lê Bình, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho rằng: Mỗi cơ sở kinh doanh, hộ dân sống gần biển cần tự ý thức trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có việc tách nước thải ra khỏi hệ thống thoát nước mưa, không xả rác, chất thải bừa bãi. Nếu bãi biển ô nhiễm, khách du lịch sẽ ngại tắm biển, ngại đến Đà Nẵng, thì ngành du lịch-dịch vụ Đà Nẵng sẽ trực tiếp gánh chịu thiệt hại, người dân cũng không thể tự hào với thương hiệu "Thành phố đáng sống" mà chính quyền, nhân dân Đà Nẵng dày công xây dựng.

Về lâu dài, Đà Nẵng cần nghiên cứu, xây dựng dự án ngăn hoàn toàn các cửa xả nước mưa đổ ra biển bằng hệ thống cống thoát nước mưa về hướng sông Hàn, song song với nghiên cứu, đề xuất địa điểm xây dựng các cửa xả nước mưa ở sông Hàn cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.