Ninh Bình hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo

Ngày 28/6, Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thành phố (30/6/1954-30/6/2024).
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm.
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã ôn lại truyền thống và ghi nhận, tri ân sự anh dũng hy sinh, công lao đóng góp đầy tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân thành phố trong chặng đường 70 năm qua.

Bí thư Thành ủy Ninh Bình Đinh Văn Tiên cho biết, thành phố Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, là một phần không thể tách rời của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử.

Trong suốt chặng đường lịch sử, thành phố Ninh Bình đã trở thành một trong những vùng đất trọng yếu, then chốt trong thế trận quân sự của đất nước và trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; là trung tâm giao thương quan trọng của vùng.

Ninh Bình hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo ảnh 1

Đồng chí Đinh Văn Tiên, Bí thư Thành ủy Ninh Bình trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình) cùng với nhân dân toàn tỉnh đã chiến đấu anh dũng và giành nhiều thắng lợi trên tất cả các mặt trận. Ngày 30/6/1954, thị xã Ninh Bình được hoàn toàn giải phóng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, Chính quyền thị xã Ninh Bình đã lãnh đạo nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam, góp phần tích cực vào chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước hòa bình, nhân dân thị xã Ninh Bình đã cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước tập trung sức lực, trí tuệ, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 12/2005, thị xã Ninh Bình được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III; đến tháng 2/2007 được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Tháng 5/2014, thành phố được công nhận là đô thị loại II.

Sau 70 năm, từ một thị xã với quy mô diện tích nhỏ bé, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, kém phát triển, đến nay đã trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 và cơ bản đã đạt các tiêu chí của đô thị loại I.

Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, với nguồn thu ngày càng bền vững. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp.

Văn hóa-xã hội phát triển toàn diện; an sinh xã hội được bảo đảm; toàn thành phố chỉ còn dưới 0,7% số hộ nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao.

Ghi nhận những đóng góp, thành tựu to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”, các Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác cho nhân dân, lực lượng vũ trang, các tập thể, cá nhân của thành phố.

Ninh Bình hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo ảnh 2
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình khẳng định, những kết quả mà thành phố Ninh Bình đã đạt được là tiền đề, nền tảng quan trọng, vững chắc để hướng tới tương lai khi thành phố Ninh Bình hợp nhất với huyện Hoa Lư trở thành thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và là hạt nhân để xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo theo đúng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình tập trung thực hiện hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính; khẩn trương hoàn thành Chương trình phát triển đô thị thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040 và Đề án phân loại đô thị “thành phố Hoa Lư” để đề xuất cơ quan có thẩm quyền công nhận đô thị sau khi hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, định hình cho sự phát triển của đô thị trung tâm tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch có liên quan, thành phố tập trung định hướng phát triển cho từng vùng, từng địa phương với tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có, huy động được tối đa các nguồn lực để phát triển bền vững; phát triển đô thị đồng bộ, hài hòa theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.

Thành phố nỗ lực xây dựng thành phố Hoa Lư trong tương lai là đơn vị đi đầu, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực; phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; đô thị đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” ở Việt Nam.

Đồng thời, thành phố đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Ninh Bình hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo ảnh 3

Dịp này, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước và xây dựng thành phố Ninh Bình được tuyên dương và công nhận danh hiệu “Công dân thành phố Ninh Bình tiêu biểu”.