Chiến lược Quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030:

Những thách thức đặt ra cho Việt Nam

NDO -

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, mục tiêu "Chiến lược Quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030” đặt ra khá tham vọng. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để tiến tới số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030 và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của cộng đồng.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long.

“Những điểm mới của Chiến lược

Ngày 14-8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. 

Chiến lược quốc gia được phê duyệt cũng thể hiện sự cam kết rất lớn của Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS và với cộng đồng quốc tế, cùng nhau hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.  

Phân tích về những điểm mới của Chiến lược, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chiến lược có sự kế thừa các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn đến năm 2020, đồng thời có sự điều chỉnh, cập nhật và bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay và giai đoạn 2021-2030.

Về bối cảnh, dịch HIV/AIDS có sự thay đổi về nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng, đặc biệt là trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM).

Các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm, giai đoạn tới phải chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước. Mạng lưới tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các địa phương được sáp nhập, lồng ghép vào hệ thống y tế dự phòng...

Về mục tiêu, Chiến lược đưa ra mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Mục tiêu to lớn này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nói trên, đồng thời cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS. 

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, có sự kế thừa từ Chiến lược giai đoạn 2011-2020, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các giải pháp mới phù hợp với tình hình mới, gồm: Đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tăng cường các biện pháp điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao (PrEP). 

Bổ sung các loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV để tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, Chiến lược mới cũng bổ sung giải pháp mở rộng điều trị, điều trị ngay cho người nhiễm HIV, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS... 

Bổ sung các biện pháp giám sát dịch HIV/AIDS dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người nhiễm được điều trị ổn định và theo dõi đến khi một người tử vong (nếu xảy ra), xác định các trường hợp mới nhiễm HIV để đưa ra các đáp ứng y tế công cộng kịp thời.

Các giải pháp bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, đặc biệt là vai trò của ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế.

Để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu, trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cũng đã đề xuất một số các nhóm giải pháp chủ yếu về về chính trị xã hội; Các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; Các nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật; Các nhóm giải pháp về đảm bảo tài chính.

“Nếu thực hiện tốt 11 nhóm giải pháp được đề ra trong Chiến lược Quốc gia, chúng ta có nhiều cơ hội để thực hiện được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, ông Long nhấn mạnh. 

Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức nào?

Trước mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thứ nhất là khó khăn về nhận thức. Hiện nay nhiều người dân không thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Bên cạnh đó, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát.  Thế giới chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ. Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn. 

“Việt Nam hiện ước tính vẫn còn khoảng 40 nghìn người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà họ chưa biết tình trạng nhiễm HIV của họ, họ có thể vẫn đang rất khỏe mạnh, chính vì vậy họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng”, ông Long chia sẻ. 

Một trong những vấn đề thách thức là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm mạnh. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước từ nguồn Trung ương và địa phương.

Với khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV tại Việt Nam thì nhu cầu các dịch vụ dự phòng để họ không lây truyền HIV ra cộng đồng, điều trị bằng thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV liên tục mà có thể nói suốt đời và chăm sóc hỗ trợ cho họ chắc chắn sẽ là một thách thức lớn không chỉ về chuyên môn mà cả vấn đề tài chính.

Để vượt qua những thách thức này, Chiến lược cũng đã có các giải pháp mang tính kỹ thuât như tăng cường truyền thông; đổi mới giám sát dịch; chính sách tài chính bền vững; tăng cường sự chủ động và đầu tư từ các nguồn ngân sách địa phương…

Ông Nguyễn Hoàng Long bày tỏ hy vọng, với sự cam kết và sự chỉ đạo sát sao của Đảng và nhà nước cùng kinh nghiệm 30 năm đối phó với dịch HIV/AIDS mà cụ thể là các sáng kiến, thành tựu đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, Việt Nam sẽ vượt qua các khó khăn thách thức và thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược đã đề ra.

Liên tục đạt mục tiêu “ba giảm”

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Chúng ta đã đã được nhiều thành tựu quan trọng được thế giới ghi nhận. 

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu “ba giảm”, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. 

“Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200 ngàn người thoát khỏi tử vong do AIDS. Có được những thành tựu này là nhờ thực hiện tốt hai Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua”, ông Long nói.