- Trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra ngày 6/2 với tâm chấn ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất thế kỷ.
- Một thảm họa tàn khốc: Trận động đất, theo sau là một loạt dư chấn có độ lớn gần tương tự đã lan qua nhiều nước láng giềng, khiến một khu vực dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề.
- Từ hiện trường: Theo lời các nhân chứng trong thảm họa, hàng nghìn người đã thiệt mạng và hàng chục thành phố bị phá hủy trong động đất.
- Nỗ lực cứu hộ: Khi cơ hội tìm kiếm những người sống sót bắt đầu thu hẹp, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về hậu cần trong thực hiện các hoạt động cứu hộ.
- Trợ giúp từ nước ngoài: Các chính phủ trên khắp thế giới đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu hỗ trợ quốc tế sau động đất, triển khai các đội cứu hộ và cung cấp viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Một em bé được sinh ra dưới đống đổ nát và được cứu sống vài giờ sau đó. Hai bé gái nằm bẹp dưới những gì còn sót lại của 1 tòa nhà bị sập. Một cậu bé treo mình lủng lẳng trên mái nhà, đọc kinh cầu nguyện cho số phận của mình. Một thiếu niên tự ghi lại những hình ảnh của bản thân mình dưới đống đổ nát của ngôi nhà, tự hỏi liệu mình sẽ sống hay chết.
Đó là những hình ảnh đau lòng về rất nhiều trong số hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi trận động đất thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, xảy ra vào rạng sáng 6/2.
Một số được giải cứu không giấu được sự choáng váng, đầu bù tóc rối, quần áo, da và tóc bám đầy bụi. Những em khác không may mắn như vậy, khi thi thể của các em được bọc trong chăn và đặt bên đường, hoặc ôm chặt trong vòng tay của cha mẹ đang đau buồn vì mất đi người thân. Một số trẻ là những người sống sót duy nhất trong gia đình hoặc chưa thể xác định được danh tính, trong khi nhân viên cứu hộ đang gấp rút tìm mọi cách để đoàn tụ các em với người thân.
Ông Joe English, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cho biết: “Chắc chắn một điều rằng có nhiều trẻ đã bị tổn thương ở những khu vực bị trận động đất tàn phá, cả về thể chất hoặc tâm lý”.
Theo ông English, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể liệu có bao nhiêu trẻ em trong số những nạn nhân thương vong và những người được giải cứu khỏi đống đổ nát.
Trong khi đó, ở nhiều nơi, người dân đang dùng tay không để đào bới và giải cứu nhiều trẻ em.
Anh Khalil al Shami, 34 tuổi, đang đào bới đống đổ nát trong tòa nhà của anh trai mình ở thành phố Jinderes, Syria hôm 6/2 thì phát hiện thấy chân của chị dâu và 1 bé gái vẫn còn dây rốn quấn quanh người. Cô đã sinh con trong khi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Người dân Syria tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát của 1 ngôi nhà ở Jinderes, Syria, ngày 6/2/2023. Một em bé được sinh ra dưới đống đổ nát đã sống sót, nhưng mẹ của em thì không may mắn như vậy. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Shami cho biết anh đã cắt dây rốn dính đầy bụi và em bé khi ấy đã cất tiếng khóc chào đời. Anh tiếp tục đào và đào trong hy vọng rằng chị dâu của mình vẫn còn sống. Rốt cuộc, người mẹ đã không thể qua khỏi, nhưng cháu gái của anh đã an toàn trong bệnh viện.
Shami cho biết, chị dâu anh lẽ ra sẽ sinh con vào ngày hôm sau, nhưng có vẻ như cô đã bị sốc khi sinh.
Tại 1 thành phố khác của Syria, video hiện trường cho thấy 2 bé gái bị kẹt dưới đống đổ nát, nằm chồng lên nhau, trong khi 1 người đàn ông đang cố gắng đào bới để giải cứu các em. Một trong các bé gái khóc lóc và cầu cứu: “Không, không, hãy đưa chúng cháu ra ngoài”.
Một thiếu niên mặc áo sơ mi đỏ phủ đầy bụi đã tự quay phim dưới đống gạch vụn và sắt thép cong vênh còn sót lại của ngôi nhà đổ nát. Cậu nói không biết làm thế nào để diễn tả cảm giác của mình, không biết mình sẽ sống hay chết. Sau đó, trong video chỉ còn 1 tiếng hét thất thanh.
“Khoảng 2, 3 gia đình đang bị mắc kẹt, bạn có thể nghe thấy tiếng la hét của họ cùng hàng xóm của chúng tôi. Cầu thánh Allah cứu giúp chúng con”, cậu bé nói trong video.
[Video] Bi kịch của em bé thần kỳ tại Syria
Nhiều gia đình đã di tản khỏi căn nhà của mình trong thời tiết lạnh giá mà chỉ mặc quần áo ngủ, đang trú ẩn trong ô-tô hoặc những nơi công cộng như thánh đường Hồi giáo hay các trường học.
Đối với trẻ em Syria, trận động đất xảy ra trong bối cảnh đất nước đã trải qua 12 năm khốn khó vì chiến tranh và nghèo đói. Các em thậm chí đã nhiều lần phải di dời khi gia đình mình chạy trốn khỏi các cuộc xung đột.
Ông English cho biết: “Tổn thương nối tiếp tổn thương, đau lòng tiếp nối đau lòng. Trước mắt sẽ là một chặng đường dài để phục hồi”.
Trọng tâm trước mắt của Liên hợp quốc là bảo đảm trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng được tiếp cận với nước uống an toàn và các dịch vụ vệ sinh - những vấn đề rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng này, cùng với đó là cung cấp các khẩu phần dinh dưỡng. UNICEF cũng đang chuẩn bị phương án hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi động đất.