Chính phủ Syria kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả trận động đất. Bộ Quốc phòng Nga đã điều 300 binh sĩ tới Syria nhằm hỗ trợ dọn dẹp các đống đổ nát.
Nhiều nước ngày 7/2 tuyên bố gửi hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và cử các đội cứu nạn-cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo kế hoạch hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp 5 triệu USD và cử khoảng 110 nhân viên đến Thổ Nhĩ Kỳ để giúp tìm kiếm và cứu nạn.
Giới chức Pakistan đã gửi hàng cứu trợ cũng như đội ngũ y tế và cứu hộ đến các khu vực bị động đất tàn phá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Pakistan cử hai đội gồm các chuyên gia về tìm kiếm và cứu hộ và nhân viên y tế, bệnh viện dã chiến 30 giường bệnh, lều bạt, chăn màn và các mặt hàng cứu trợ khác. Từ ngày 8/2, mỗi ngày có một chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan PIA chở 15 tấn hàng cứu trợ nhân đạo từ Pakistan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã điều lực lượng tìm kiếm cứu hộ từ 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Mỹ đã điều hai đội tìm kiếm cứu hộ, mỗi đội gồm 79 thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis (K.Mít-xô-ta-kít) cũng cam kết cung cấp "mọi sự hỗ trợ" để giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua khủng hoảng sau trận động đất. Hiện Hy Lạp (cùng Italia) đang tạm thời đóng cửa một số khu vực ven biển để đề phòng khả năng xảy ra sóng thần sau cơn địa chấn nêu trên.
Chính phủ Trung Quốc thông báo viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 5,9 triệu USD. Australia hỗ trợ khoảng 6,94 triệu USD cho các nạn nhân bị ảnh hưởng của động đất tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria. Chính phủ New Zealand cũng thông báo sẽ cung cấp khoảng 950.000 USD cho các hoạt động ứng phó của Hội Chữ thập đỏ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ (IFRC).
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cam kết viện trợ 13 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất ở Syria. UAE đã điều một đội cứu hộ mang theo nhiều thiết bị y tế tới miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, nước này còn lên kế hoạch thành lập tại đây một bệnh viện dã chiến.
Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Đây là nhận định của Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, Renato Solidum khi đánh giá về các trận động đất có độ lớn từ 7 độ richter trở lên.