Những rung cảm từ lòng yêu người trong triển lãm “Cha và con”

NDO - Bằng những rung cảm tinh tế từ lòng yêu người, cố họa sĩ Trần Tuấn Lân và con trai ông - họa sĩ Trần Tuấn Long đã khắc họa nên những tác phẩm hội họa đặc sắc qua chất liệu sơn mài, để lại những dấu ấn khó quên trong lòng công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian trưng bày Triển lãm tranh “Cha và con”. (Ảnh: BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM)
Không gian trưng bày Triển lãm tranh “Cha và con”. (Ảnh: BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM)

Diễn ra đến hết ngày 31/10, Triển lãm tranh "Cha và con" giới thiệu tới công chúng hơn 60 bức tranh về con người và phong cảnh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự kiện nhằm tưởng niệm 90 năm ngày sinh của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân.

Cố họa sĩ Trần Tuấn Lân (1933-2010) từng tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông bước vào con đường nghệ thuật bằng âm nhạc nhưng lại chọn hội họa để gắn bó trọn đời. Ông chăm chỉ sáng tác, giảng dạy và để lại nhiều tác phẩm có giá trị.

Ông từng đoạt giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long vào đợt 1996-2000 với tác phẩm “Truyền thống Bạch Đằng”, các giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1996 với tác phẩm “Mỏ than Mạo Khê” và năm 2003 với tác phẩm “Trận chiến 5/8”, cùng nhiều danh hiệu giá trị khác.

Đánh giá về các tác giả Trần Tuấn Lân, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn chia sẻ: "Ông thả nét, cầm giữ những rung cảm trong giây khắc khi mắt nhìn tay vẽ, hóa thạch dung nhan con người và cảnh sắc ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai. Nghệ thuật là con đường dài. Ông biết vậy và không ngại nẻo xa dặm thẳm. Nhìn lại và ngắm mãi những ký họa thuở nào cùng những tác phẩm sơn mài còn rung động mạch cảm xúc với thời gian. Ông là người lẳng lặng néo giữ một chữ tình khiêm nhường trong nền mỹ thuật đương đại Việt”.

Những rung cảm từ lòng yêu người trong triển lãm “Cha và con” ảnh 1

Các tác phẩm của họa sĩ Trần Tuấn Long gây ấn tượng đến công chúng bởi đề tài độc đáo và cách khai thác mới mẻ.

Nối tiếp tình yêu ấy, Trần Tuấn Long đã kế nghiệp cha, trở thành họa sĩ. Anh kế thừa niềm đam mê với chất liệu sơn ta và những tinh hoa nghệ thuật mà cha mình để lại. Hơn 20 năm qua, anh theo đuổi đề tài tái hiện các nghi thức hầu đồng, cùng hình tượng những nhân vật trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Chọn sơn mài là chất liệu sở trường, Trần Tuấn Long sáng tác cả tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật và chân dung.

Họa sĩ Trần Tuấn Long cho biết, sơn mài là chất liệu mà anh yêu thích từ nhỏ. Vẽ bằng sơn ta đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mẩn, không thể nóng vội như các chất liệu khác. Bởi chỉ cần làm sai một quy trình hay vẽ nhầm vài chi tiết, họa sĩ phải phá bỏ cả bức tranh mà đã cất công phác họa trước đó.

Tại triển lãm, công chúng sẽ được thưởng thức những bức sơn mài khổ lớn khắc họa hình ảnh con người và phong cảnh ở khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, khán giả sẽ được ngắm lại một số phác thảo chì, màu nước của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân về chiến trường Lào, về tây Trường Sơn, về vùng Đông Bắc và biển cả từ hơn nửa thế kỷ trước.