Chị Vương Lê Mỹ Học, Phó trưởng phòng Trưng bày Giáo dục, BTMTVN:
“Sẽ cập nhật các tính năng”
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty cổ phần Vietsoft Pro đã cùng phối hợp xây dựng Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES) từ năm 2021. Về các không gian triển lãm số bên trong, VAES mô phỏng 10 không gian vật lý cho hiện vật hai chiều, với các triển lãm đã tổ chức tại BTMTVN dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những đề xuất tổ chức triển lãm trên không gian số.
Trong tương lai gần, ở các phiên bản tiếp theo, VAES sẽ được cập nhật các tính năng cho người dùng, mô tả hiện vật ba chiều, không gian ảo. Thêm những tương tác cho người xem và người sử dụng, cùng với những kỹ thuật tiên tiến nhất, có thể tự tạo không gian số để trưng bày và lưu trữ cho riêng mình.
Họa sĩ Nguyễn Sơn:
“Còn thiếu sức hút của không gian ảo”
Bảo tàng số là hình thức rất nhiều bảo tàng trên thế giới thực hiện nhằm lưu trữ thông tin tác giả, tác phẩm, hiện vật. Đây là cầu nối để các bảo tàng tiếp cận, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật trong việc chọn lựa điểm đến, quảng bá hoạt động bảo tàng, tổng hợp thông tin nghiên cứu lịch sử nghệ thuật… Triển lãm trực tuyến của BTMTVN hiện nay về cảm quan chung là một không gian không liên quan đến không gian thực của BTMTVN. Điều này là quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc BTMTVN định hướng người xem tìm kiếm thông tin. Nếu như chất lượng thông tin, hình ảnh đủ sức hấp dẫn người xem thì ấn tượng của họ về BTMTVN mạnh hơn, mong muốn đến nơi này nhiều hơn.
Về mặt thị giác không gian VAES đang ở mức độ 3D nhưng hiện hình là 2D nên người xem chưa thể có cảm giác đang sống trong không gian ảo ấy. Mức độ chi tiết của các tác phẩm chưa giả lập được phần nào bề mặt chất liệu nguyên bản. Lượng thông tin của một bảo tàng là rất lớn nên việc sắp xếp thông tin, chất lượng hình ảnh là quan trọng để giữ chân người xem. Cảm giác hiện nay khi xem VAES vẫn còn thiếu sức hút của không gian ảo. Đội ngũ thực hiện cần nghiên cứu về cách làm của các bảo tàng lớn trên thế giới. Không nhất thiết phải dựng 3D toàn bộ mà có thể sử dụng thêm các clip thực tế các cuộc triển lãm diễn ra thường xuyên tại BTMTVN. Đó là cách làm đơn giản, hiệu quả.
Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền:
“Cần phát triển thêm”
Nhìn vào không gian hiện tại của VAES có phần hơi “rườm rà” với hình tượng cánh hoa sen cách điệu, giống như một nhà hát hơn là không gian bảo tàng nghệ thuật. Trong khi đó, với không gian trưng bày bên trong bảo tàng nhất thiết phải thể hiện sự tôn trọng, có hiệu ứng tôn thêm vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật.
Thực tế thì không gian trưng bày VAES chưa tạo được không gian bảo tàng như thế, mà vẫn giống như một cuốn sách giới thiệu, mới chỉ có thể mở từng trang, từng mục thông tin về tác phẩm. Nội dung trưng bày thì thiếu hẳn một số mảng như điêu khắc với không gian 3D có thể xoay ngang dọc, nhìn từ trên xuống dưới, xa tới gần... Ngay cả các bức tranh trưng bày cũng chưa thể phóng to thu nhỏ, xa gần như khi xem tranh ngoài đời thực. Việc thực hiện triển lãm trực tuyến là tốt nhưng mới chỉ dừng lại ở mức giao diện giới thiệu thông tin, còn tạo được cảm giác xem bảo tàng ảo thì còn rất nhiều điều VAES cần phát triển thêm trong tương lai.
Họa sĩ Lê Anh:
“Chưa có cảm giác 3D”
Sau khi xem triển lãm trực tuyến của BTMTVN tôi thấy đây là một sự “trở mình” lớn của bảo tàng để bắt kịp xu hướng của thời đại công nghệ hiện nay. Về tổng quan, tôi thấy cách sắp xếp tương đối khoa học, lịch sự dễ hiểu. Ngoài ra, một điểm rất thú vị của triển lãm trực tuyến nữa, đó là có thêm âm nhạc khi tham quan triển lãm khiến cho người xem cảm giác tương đối giống với triển lãm thật. Tôi thấy đây là những bước đi đầu tiên của bảo tàng trong lĩnh vực 3D trực tuyến và cá nhân tôi hy vọng trong tương lai gần có thể phát triển lên thành bảo tàng trực tuyến.
Mặc dù vậy, có một hạn chế đó là khi xem kỹ tác phẩm lại là file ảnh bình thường chứ không có cảm giác 3D và dung lượng ảnh cũng vừa phải không được lớn khi người xem muốn xem kỹ, các chi tiết của tác phẩm. Trong tương lai có thể nâng cấp lên bảo tàng trực tuyến để người xem dễ dàng thao tác hơn khi xem triển lãm.
Một số mục tôi thấy chưa được hoàn thiện, khi vào xem lại không có gì nên tương đối hụt hẫng. Cá nhân tôi cho rằng, để tạo nên sự khác biệt với các bảo tàng khác, cần thêm nhiều phần tương tác giữa người xem và bảo tàng nhiều hơn. Thí dụ như, người xem trực tuyến có thêm công cụ chat hoặc comment để trực tiếp đề xuất, góp ý nhanh hơn với bảo tàng. Bảo tàng trực tuyến nếu có thể triển khai ý tưởng khai thác bản quyền hình ảnh từ các tác phẩm nghệ thuật thì sẽ rất thú vị.