Niềm hứng khởi với hội họa

Tốt nghiệp thủ khoa Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2020, họa sĩ Cao Văn Thục (sinh năm 1995, trong ảnh) đang tràn đầy hứng khởi với niềm đam mê nghệ thuật. Năm 2022, Thục liên tiếp nhận niềm vui khi giành Giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật trẻ toàn quốc rồi Giải B tại Triển lãm Khu vực 1 của Hội Mỹ thuật Việt Nam và chính thức trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm hứng khởi với hội họa

1/ Tốt nghiệp thủ khoa năm 2020 với tác phẩm “Trong bếp” lấy ý tưởng từ những ngày ở nhà dài ngày vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như nhắc nhở bản thân Thục cần có lối sống khoa học và gọn gàng hơn. Dẫu vậy, khi nhắc về thành tích này, Thục luôn khiêm tốn cho rằng đó là sự may mắn vì gặp được những người thầy luôn biết cách truyền lửa và tạo động lực để phát huy cao nhất khả năng của bản thân.

Năng động, thích tìm tòi, khám phá thế giới nghệ thuật, vì thế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Thục đã tích cực tham gia nhiều triển lãm và coi đó là “sân chơi” để bản thân được cọ xát, học hỏi. Có thể kể đến một số triển lãm Thục tham gia như Triển lãm Sinh viên thường niên của trường, triển lãm Art For You hằng năm (2018 - 2020), triển lãm nhóm “Nhìn và Thấy” (2019), triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (2019), triển lãm khu vực Hải Phòng (2019), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2020), triển lãm nhóm “Tôi là chúng ta” (2021), triển lãm “Tầng hai giữa hai tầng” (2021)... Trong thời gian này, Thục cũng đã giành Giải ba tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2019 (do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức) với bức tranh lụa “Cô gái Hà Nội”.

Ra trường ba năm nay, hiện Thục đang làm tự do và tiếp tục nuôi các dự định sáng tác cũng như tham gia các hoạt động triển lãm. Năm 2022, Thục đã giành Giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật trẻ toàn quốc với bộ ba tác phẩm “Người trên cao” nói về những người lơ lửng giữa trời và đất, giữa hoa và lá, giữa mây mù và mưa xuân. Bộ tranh được lấy cảm hứng từ những người H’Mông đang cắt tỉa những cành mận trắng để đón một mùa vụ mới bắt đầu. Rồi tác phẩm “Một khoảng riêng” cũng đã đem đến cho Thục Giải B tại Triển lãm Khu vực 1 của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đây là bức vẽ về một phụ nữ ở vùng cao nằm trên bãi cỏ với nhiều suy ngẫm về những điều mơ màng và ước hẹn để thay đổi số phận. “Tôi đã vẽ về người phụ nữ với một khoảng dịu nhẹ trong tâm hồn, một khoảnh khắc được nghỉ ngơi với một đời sống nhiều lo toan và muộn phiền. Để cảm thấy một sự thong thả trong tâm hồn, sự đồng cảm và một chút hiểu biết của bản thân về đời sống và con người nơi đây. Tôi vẽ cho một tâm hồn dịu nhẹ và nhiều mộng tưởng”, họa sĩ Cao Văn Thục nhấn mạnh.

2/ Có một vinh dự to lớn mà không phải họa sĩ trẻ nào cũng có được, đó là trong hai năm liên tiếp (năm 2021, 2022) Thục đã được chọn để vẽ chân dung các nhà khoa học được tôn vinh tại Lễ trao Giải thưởng Khoa học - Công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture do Tập đoàn Vingroup bảo trợ. Khi được đề xuất và nhận công việc này, bản thân Thục cảm thấy hồi hộp, lo lắng bởi chất liệu được Ban tổ chức yêu cầu là vẽ trên giấy dó. Đây là một loại giấy thủ công của Việt Nam, được dùng nhiều trong hội họa nhưng họa sĩ sẽ gặp khó khi vẽ đặc tả chân dung trên chất liệu này vì đặc tính nhòe tự nhiên của giấy. Phải rất cẩn thận, tỉ mỉ Thục mới có những bức vẽ đặc tả được hồn cốt, tinh thần của các nhà khoa nước ngoài qua chất liệu đặc trưng của Việt Nam và nhận được nhiều lời khen ngợi.

Việc trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của họa sĩ trẻ. Từ đây Thục sẽ có môi trường lớn hơn để sinh hoạt, học hỏi, nâng cao tay nghề và cũng như thêm trách nhiệm hơn trong từng nét vẽ của mình. “Tôi sẽ “nhập cuộc” với một tư thế khác, phát triển những cách biểu đạt mới để bộc lộ những suy nghĩ cá nhân cũng như phát triển cho mình con đường rõ ràng hơn”, Thục bộc bạch.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông đánh giá: “Cao Văn Thục có kỹ năng hội họa tốt, mạnh ở năng lực biểu cảm hình thể, không gian và chất liệu hội họa. Điều đáng quý là Thục có tâm hồn nghệ thuật trong sáng và luôn có ý thức sáng tạo, tìm tòi cái mới, không sa vào lối vẽ trang trí phổ cập thông tục. Với nỗ lực và sự quyết tâm, tôi tin trong tương lai không xa Thục sẽ là gương mặt nổi bật trong “bầu trời” hội họa nước nhà”.