Dạo qua vùng đất của sơn mài đương đại

Không phải sự kiện mỹ thuật nào cũng thu hút một lượng khách đông đảo và bàn luận sôi nổi như buổi khai mạc triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” vừa diễn ra chiều 2/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến giới thiệu tác phẩm sơn mài trên vóc “Hoan ca”.
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến giới thiệu tác phẩm sơn mài trên vóc “Hoan ca”.

Triển lãm do Không gian nghệ thuật The Muse tổ chức với sự tham gia của các họa sĩ nhiều thế hệ: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Nguyễn Thị Quế, Ðỗ Thị Kim Ðoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My, Vũ Văn Tịch và Nguyễn Thị Thúy Nguyệt. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1949, người trẻ nhất sinh năm 1989, song họ đều là những họa sĩ đã thành danh với sơn mài. Theo giám tuyển Vân Vi, 10 họa sĩ với gần 30 tác phẩm trưng bày trong triển lãm là những “anh tài” của sơn mài miền bắc.

Khách tham quan triển lãm, trong đó có khá nhiều sinh viên mỹ thuật và nghệ sĩ trẻ, có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm và gặp gỡ các họa sĩ đã được công nhận là bậc thầy trong sơn mài đương đại Việt Nam như họa sĩ Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Triệu Khắc Tiến. Họa sĩ Lý Trực Sơn (sinh năm 1949 tại Huế) là người sáng lập nhóm “Sơn ta” và tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với giới sơn mài đương đại.

Tại triển lãm này, họa sĩ mang đến bộ ba tác phẩm sơn mài trên vóc với tên gọi “Ngân hà”, chủ đề khá lạ và hiếm đối với sơn mài là phụ nữ khỏa thân (nude) theo lối hiện thực, được lấy cảm xúc từ một ý thơ của Guillaume Apollinaire - nhà thơ, nhà văn lớn của Pháp đầu thế kỷ 20. Ngay bên cạnh đó, người xem cũng có thể thấy sự choáng ngợp với mầu sắc khi ngắm nhìn bốn tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Quang Trung, người từng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong lực lượng Công an nhân dân và có nhiều cơ hội góp nhặt các chất liệu sáng tác từ cuộc sống.

Tham gia triển lãm này, họa sĩ Triệu Khắc Tiến là một tác giả khá đặc biệt không chỉ bởi số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất, mà còn bởi anh có tới hai học trò cũng có tác phẩm được chọn lựa là họa sĩ Vũ Văn Tịch và Nguyễn Thị Thúy Nguyệt (đều sinh năm 1989). Họa sĩ Triệu Khắc Tiến cũng là tiến sĩ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam hiện nay.

Quá trình học tập, nghiên cứu và sáng tác sơn mài của họa sĩ có nhiều yếu tố liên quan đến sơn mài Nhật Bản. Tám tác phẩm của họa sĩ tại triển lãm được sáng tác trong giai đoạn 2017-2023 với nhiều phong cách và cảm hứng đa dạng, từ sự tối giản và sắc đỏ đậm chất Nhật Bản trong “Tiếp biến” cho đến “Xuân trên cao nguyên đá Ðồng Văn” phá cách với nhiều mảng xanh tạo chiều sâu thăm thẳm.

Các gương mặt nữ góp mặt tại triển lãm cũng gây ấn tượng không kém qua những tác phẩm sơn mài rực rỡ tạo nên bởi nhiều kỹ thuật khó và sức sáng tạo dồi dào. Họa sĩ Ðỗ Thị Kim Ðoan là người gắn bó với sơn mài đã gần ba thập kỷ, với đam mê dành cho chất liệu truyền thống được khởi đầu từ quá trình làm việc với tượng rối nước.

Bộ ba tác phẩm “Góc vườn” của nữ họa sĩ tại triển lãm được các khán giả nữ giới dành nhiều chú ý, bởi bối cảnh và nhân vật đậm tính nữ và mỹ cảm Á Ðông. Họa sĩ Phạm Trà My (sinh năm 1986) chỉ đóng góp duy nhất “Vườn mộng mơ”, nhưng tác phẩm khổ lớn (gồm bốn tấm ghép lại) này như một “bữa tiệc” của mầu sắc với vô số nhân vật và chi tiết ẩn hiện, cho thấy sự hình dung chi tiết và thể hiện vô cùng tỉ mỉ. Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt thì bật lên chất riêng từ bối cảnh hiện đại và nhân vật phụ nữ toát lên sự tự do, phóng khoáng.

Không khó nhận ra các tác phẩm tại triển lãm được chia thành các trường phái, xu hướng khá cụ thể. Thứ nhất là các họa sĩ gạo cội cố gắng gìn giữ và khai thác chất liệu sơn ta truyền thống, hướng đến vẻ đẹp hoàn mỹ kết hợp Ðông-Tây từ việc nghiên cứu và thực hành sơn mài. Thứ hai là các đại diện lớp trẻ muốn khai phá, chuyển dịch cả chủ đề và chất liệu trong bối cảnh phong phú và không ngừng biến đổi của hội họa đương đại.

Họa sĩ trẻ Vũ Văn Tịch tuy là gương mặt mới đối với công chúng yêu mỹ thuật, song trong giới hội họa, các tác phẩm của anh đã được công nhận qua việc thử nghiệm thành công nhiều kỹ thuật phức tạp vào các chủ đề giàu cảm xúc. Một họa sĩ trẻ khác, Nguyễn Xuân Lục (1983), mang đến triển lãm những tác phẩm phù điêu sơn mài, một ngôn ngữ tạo hình độc đáo mà tinh hoa của sơn mài mỹ nghệ được kết hợp với cả điêu khắc và hội họa. Trưởng thành từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), anh cũng đồng thời là một nghệ nhân gắn bó với nghề thủ công từ rất sớm đã khẳng định: “Chất liệu và kỹ thuật sơn mài không chỉ là phương tiện mà còn là câu chuyện và nguồn cảm hứng của tôi”.

Sơn ta là chất liệu mỹ nghệ dân gian truyền thống đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Nhưng nếu như lấy dấu mốc chất liệu này được các họa sĩ đưa vào sáng tác mỹ thuật kể từ khi có Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương vào năm 1925, thì chỉ vài năm nữa thôi nghệ thuật sơn mài Việt Nam sẽ kỷ niệm tròn 100 năm tuổi với bao thăng trầm. Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” là một trong những nỗ lực tôn vinh nhiều khía cạnh của sơn mài, đưa tên tuổi và tác phẩm của các họa sĩ sơn mài đương đại đến gần công chúng hơn.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 8/8, trong đó có hai buổi art tour (hoạt động tìm hiểu, chia sẻ về nghệ thuật) với các giám tuyển và chuyên gia nghiên cứu vào lúc 10 giờ và 15 giờ mỗi ngày.