32 bức tranh sơn mài độc đáo được trưng bày tại triển lãm "Gọi mùa"

NDO - “Gọi mùa” là chủ đề của triển lãm tranh sơn mài đang diễn ra và kéo dài đến ngày 7/8 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội). Triển lãm giới thiệu 32 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ sáng tác trong hơn 3 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Tại triển lãm “Gọi mùa”, các tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại, phác họa những lát cắt, những khoảnh khắc đặc biệt, riêng có của từng mùa trong năm.
Tại triển lãm “Gọi mùa”, các tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại, phác họa những lát cắt, những khoảnh khắc đặc biệt, riêng có của từng mùa trong năm.

Sinh ra ở vùng châu thổ sông Hồng, gắn bó với nghệ thuật hội họa nhiều năm, Nguyễn Thái Cớ đã có nhiều cuộc đi, vẽ nhiều, cũng đã có nhiều cuộc trưng bày tác phẩm với các nhóm bạn bè. Nhưng đây là lần đầu tiên một triển lãm mang dấu ấn cá nhân với những tác phẩm sơn mài đặc sắc ra mắt công chúng Thủ đô.

Nói về Triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Nguyễn Thái Cớ có cách gọi mùa cũng lạ. Đĩa màu cứ thả dần xuống đáy vóc trong sâu đen thăm thẳm, khó biết đâu là chỗ tận cùng. Rồi cứ theo mùa, khẽ khàng và nồng nàn gọi mùa lên. Ngữ điệu trừu tượng đeo bám Xuân, Hạ, Thu, Đông gọi mắt ta nhìn và buộc ta thả lòng nhẹ nhõm theo hai mươi bốn tiết khí trong năm…”.

Đúng như ý kiến đánh giá của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm lần này thể hiện cảm quan của người họa sĩ trước sự giao hòa đặc biệt của thời tiết miền bắc với 4 mùa rõ rệt. Qua mỗi tác phẩm, bằng sự phối màu tinh tế và có nghề, người xem có thể cảm nhận nhịp sống, nhịp chuyển động của con người và thiên nhiên, như: “Đi qua tháng Mười”, “Không gian đỏ”, “Vào hạ”, “Ngày xuân”, “Lễ hội cầu mưa”,… Là một họa sĩ sinh ra và lớn lên từ làng, Nguyễn Thái Cớ có những cảm nhận vừa nhạy bén vừa bình dị về sự giao thoa đặc biệt ấy.

Đây là dòng tranh mang đậm chất truyền thống Việt Nam nhưng không phải ai cũng dám theo đuổi, bởi quá trình sáng tạo sơn mài rất công phu với nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi người vẽ phải có sự kiên trì và cả am tường nghệ thuật, các kỹ pháp trong hội họa. Họa sĩ Thái Cớ chia sẻ: “Lựa chọn tranh sơn mài khiến tôi dễ đạt được những khoái cảm thẩm mỹ cả trong đời sống và nghệ thuật. Tranh sơn mài sử dụng những chất liệu như: sơn ta, son, vàng, bạc,… tôi muốn dùng những chất liệu đó theo hướng ít màu nhưng nhiều sắc độ, nhằm thể hiện giao cảm, những nét độc đáo của từng mùa trong năm”.

Tại triển lãm “Gọi mùa”, các tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại, phác họa những lát cắt, những khoảnh khắc đặc biệt, riêng có của từng mùa trong năm. Đơn cử như bức “Lễ hội cầu mưa”, theo họa sĩ Nguyễn Thái Cớ, nhìn lại nền hội họa dân tộc, từ lâu đã có những thành tựu đặc sắc như: tranh dân gian, chạm khắc đình làng, tượng điêu khắc của thời Lý, Trần, Lê,… Sử dụng ngôn ngữ hiện đại để thể hiện những đề tài truyền thống là một trong những vấn đề chúng tôi luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo”.

32 bức tranh sơn mài độc đáo được trưng bày tại triển lãm "Gọi mùa" ảnh 1

Họa sĩ Nguyễn Thái Cớ sinh năm 1976 tại Hưng Yên, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên. Với hơn 20 năm hoạt động hội họa, anh đi nhiều, vẽ nhiều và từng tham gia nhiều triển lãm nhóm với bạn bè, như: “Họa sĩ trẻ” năm 2002 tại Hà Nội; Triển lãm Mỹ thuật khu vực II và toàn quốc từ 2006 đến nay; “Bạn bè” năm 2009 tại Quảng Trị; Triển lãm nhóm vẽ chân dung năm 2016 tại Hà Nội; “Điểm chạm” năm 2017; “Tết Mậu Tuất” năm 2018 và “Tết Tân Sửu” năm 2021 tại Hà Nội...