Ở đó, người bán không chỉ mang đến những vật phẩm, hàng hóa thiết yếu mà còn mang yêu thương trao gửi khách hàng. Ở đó, tình người, lòng nhân ái, và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng được lan tỏa.
Tại phiên chợ 0 đồng diễn ra từ ngày 20/1 ở Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, 2.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người lao động thất nghiệp được tặng phiếu để mua những mặt hàng thiết yếu với giá 0 đồng.
Ở thành phố đông dân nhất cả nước, mặc dù nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, nhưng chính quyền thành phố, hội chữ thập đỏ, công đoàn các cấp, các nhà hảo tâm đã cố gắng chăm lo cho người nghèo có Tết. Hàng chục “phiên chợ nghĩa tình” được tổ chức tại các quận, huyện, thành phố trực thuộc, các khu chế xuất, khu công nghiệp, mang Tết ấm cho hàng chục nghìn công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Những phiên chợ như thế được tổ chức ở khắp mọi miền đất nước đã góp phần mang xuân ấm, mang niềm vui tới những công nhân, người lao động, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 28/1, tại Hà Nội cũng có hai phiên chợ Tết đặc biệt, giúp hàng nghìn người đang gặp khó nhận được những phần quà ý nghĩa. Tại “Phiên chợ 0 đồng” ở huyện Thường Tín, thông qua phiếu mua hàng miễn phí, 2.000 người yếu thế được phục vụ nhu cầu sắm Tết. Tại chợ “Tết nhân ái” ở Trường tiểu học Trung Tự, quận Ðống Ða, 550 phiếu mua hàng miễn phí, mỗi phiếu trị giá 750.000 đồng, hơn 100 suất quà, trị giá từ 1 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng được trao tặng cho các học sinh nghèo vượt khó, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cán bộ, giáo viên gặp khó, mắc bệnh hiểm nghèo.
Nhiều phiên chợ Tết yêu thương, nghĩa tình cũng được tổ chức ngay trong khuôn viên các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những ngày giáp Tết, với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại bệnh viện, thì nỗi buồn lo càng chồng chất. Những phiên chợ Tết yêu thương đã trở thành nơi chia sẻ, kết nối tình thân giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa người bệnh và cộng đồng xã hội, tạo nên bầu không khí đầm ấm ngay trong không gian bệnh viện.
Những phiên chợ như thế được tổ chức ở khắp mọi miền đất nước đã góp phần mang xuân ấm, mang niềm vui tới những công nhân, người lao động, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù năm 2023, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đời sống của nhân dân, song nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn sẵn sàng sẻ chia với người nghèo, người kém may mắn. Tình cảm đó thể hiện sâu sắc truyền thống nhân ái, nhân văn của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trong khó khăn, luôn đùm bọc nhau khi thiếu thốn, vất vả.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ hội chữ thập đỏ, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... các cấp, nhiều tập thể, hội nhóm, cá nhân đã đồng hành, chung tay góp sức cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chăm lo về vật chất, tinh thần cho người nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn được vui xuân, đón Tết. Mỗi món quà được trao đi là tình cảm, tấm lòng, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong một cộng đồng đoàn kết, nhân ái, sẻ chia.