Theo chân cán bộ Đồn biên phòng Phúc Sơn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lương Thị Xỉnh, bản Vều 1, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) do đơn vị hỗ trợ. Chỉ tay về phía khu vực chăn nuôi của gia đình, bà Xỉnh phấn khởi, cho biết: Được Đồn biên phòng hỗ trợ cho hai con lợn giống, sau khi nuôi lớn gia đình chỉ để lại một con để làm giống cho những lứa sinh sản tiếp theo, còn các con khác đã bán để trang trải cuộc sống, ngoài tăng thu nhập cho gia đình, gia đình cũng đã chuyển giao hai con giống cho gia đình khác để làm vốn chăn nuôi.
Bộ đội biên phòng Nghệ An: Xây dựng biên giới bình yên
Tiếp đó, tháng 3 năm 2024, Đồn biên phòng Phúc Sơn tiếp tục hỗ trợ gia đình bà Xỉnh 50 con gà giống cùng thuốc phòng dịch và thức ăn ban đầu để gia đình phát triển kinh tế chăn nuôi. Giờ đây, đàn gà của gia đình phát triển tốt, thứ thì bán gà thịt, thứ thì thu hoạch trứng, giúp bà Xỉnh cải thiện cuộc sống.
Ở đây ở độ tuổi 70 bà Xỉnh đã từng bước thoát nghèo từ những nguồn vốn hỗ trợ cụ thể của Bộ đội Biên phòng. “Đồn hỗ trợ lợn giống để chăn nuôi, sau khi phát triển con giống tiếp tục được chuyển cho các hộ gia đình khác. Các anh còn hỗ trợ gà giống, thức ăn ban đầu, đến nay gà cũng đã lớn, có thể bán tăng thêm thu nhập. Gia đình tôi cảm ơn Bộ đội Biên phòng rất nhiều!”. Bà Xỉnh cho biết thêm.
Cán bộ Đồn biên phòng Môn Sơn thường xuyên hỗ trợ gia đình anh Lê Văn Nhuần chăm sóc con giống được hỗ trợ. |
Còn gia đình anh Lê Văn Nhuần, chuyển từ vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát ra định cư tại bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã nhiều năm. Có nguồn lực lao động, nhưng nhiều năm qua, gia đình anh vẫn loay hoay với việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bởi chưa có vốn và hướng đi cụ thể. Hai năm nay, nhờ sự hỗ trợ con giống của Đồn biên phòng Môn Sơn, gia đình anh đang từng bước chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo và phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.
Chia sẻ về sự hỗ trợ của Đồn biên phòng, anh Nhuần cho biết: Đồn hỗ trợ gia đình sáu con lợn giống, hai con bò, cùng gà, vịt giống và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ sự hướng dẫn cụ thể của bộ đội, nên bây giờ kinh tế gia đình cũng đã phát triển và đang dần thoát nghèo.
Chia sẻ về hoạt động giúp đồng bào trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Môn Sơn cho biết: Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, đơn vị phối hợp với địa phương khảo sát, lựa chọn các gia đình khó khăn, có sức lao động, chịu khó nhưng thiếu vốn, con giống... để hỗ trợ bà con phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng cây, cụ thể như gia đình anh La Văn Nhuần và một số gia đình khác trên địa bàn đồn quản lý. Qua đó, đơn vị vừa huy động công sức, sự đóng góp của cán bộ chiến sĩ, vừa vận động sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Và thay vì trao tiền mặt, đơn vị đã cùng gia đình lựa chọn các con giống phù hợp để giúp gia đình phát triển chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập.
Đồn biên phòng Tam Quang giúp đồng bào lợn giống. |
Đây là trong số hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở dọc biên giới miền tây Nghệ An mà Bộ đội Biên phòng tiếp sức, giúp họ sớm thoát nghèo. Tuy nhiên, trên địa bàn biên giới miền tây Nghệ An vẫn còn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, vất vả.
Để giúp đồng bào trên địa bàn đứng chân thoát nghèo và không tái nghèo, các đồn biên phòng trên tuyến biên giới đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ vốn, cây con giống, kỹ thuật; tạo sinh kế, việc làm mới cho bà con.
Giờ đây, đồng bào không chỉ biết trồng một loại cây, nuôi một loại con mà đã đa dạng các mô hình phát triển kinh tế để có nhiều cơ hội, hướng đi mới nhằm sớm thoát nghèo.
Trên địa bàn biên giới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An hiện đang triển khai 90 mô hình dân vận khéo, trong đó 63 mô hình phát triển kinh tế và một số mô hình khác.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn phân công 579 đảng viên phụ trách 2.671 hộ đồng bào ở khu vực biên giới giúp họ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...
Không chỉ cầm tay chỉ việc trồng lúa nước, Bộ đội Biên phòng còn giúp đồng bào thu hoạch gọn lúa hè thu chạy lụt. |
Những mô hình triển khai hiệu quả, tạo việc làm cho lao động ngay tại địa bàn, đã từng bước giúp người dân thoát nghèo, qua đó giúp đồng bào yên tâm bám bản, xây dựng bản làng ngày càng phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các gia đình ở khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo".