Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 cho biết: Đứng chân trên địa bàn vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua, Binh đoàn 15 quán triệt và triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều sáng kiến, phong trào, mô hình hay.
Bên cạnh mô hình “Gắn kết hộ” (hộ công nhân người Kinh, gắn kết với hộ người dân tộc thiểu số) hiệu quả không chỉ về kinh tế mà còn cả lĩnh vực chính trị-xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh; mô hình “Hũ gạo gắn kết” của Công ty 72 không chỉ “tiếp sức” cho các hộ nghèo khó trên vùng biên giới phát triển kinh tế, mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Ngoài ra còn có các mô hình như: “Vườn rau gắn kết” của Công ty 75 và mô hình “Làng công nhân biên giới” của Công ty 715… Đáng chú ý, gần đây mô hình “cây lúa trên đất tái canh” của Binh đoàn đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiệu quả từ các mô hình nêu trên đã góp phần lan tỏa, củng cố tình đoàn kết quân dân, tình đoàn kết anh em giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ một xã khó khăn, tình hình an ninh chính trị có những lúc diễn biến phức tạp, nhưng đến nay nhờ sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Đức Cơ, Bộ đội Biên phòng Gia Lai và Công ty 74 (Binh đoàn 15), cho nên xã biên giới Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai không còn người vượt biên trái pháp luật, đời sống kinh tế-xã hội phát triển. Hơn 637 ha đất cao-su tái canh được Công ty 74 tạo điều kiện để người dân trồng lúa nương, với năng suất 5 tấn/ha, đã góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng 721 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) hướng dẫn người dân cách trồng hồ tiêu. |
Với phương châm: “Thân mật, kiên trì, hiệu quả, gương mẫu trong lời nói lẫn việc làm; kính trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn xác định, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Tạo động lực để nhân dân biên giới vươn lên thoát nghèo
Từ năm 2014 đến nay, Quân đoàn 3 đã tổ chức tuyên truyền đến 221.315 lượt người dân; huy động 41.797 lượt cán bộ, chiến sĩ; 683 lượt xe ô-tô, 169 lượt tàu, xuồng, ca-nô, phà các loại thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, sơ tán hàng trăm hộ dân, cùng phương tiện, tài sản trong vùng nguy hiểm, vùng ngập lụt giúp đỡ người dân các buôn làng ở Ngọc Hồi (Kon Tum), Phú Thiện, Đăk Đoa (Gia Lai), Hoài Nhơn (Bình Định), Ea H’Leo (Đắk Lắk)… đến nơi an toàn; tham gia 39 vụ chữa cháy, dập tắt đám cháy, cứu 261 ha rừng; tu sửa, dựng lại 244 nhà dân và trường học bị hư hỏng do bão, lũ...
Sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 trong các hoạt động giúp người dân phát triển kinh tế, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã bám sát buôn, làng, sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ người dân; chủ động tham mưu xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, từng bước xóa bỏ những nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ. Rất nhiều mô hình, công trình giúp dân được khởi xướng và phát huy tác dụng như: Chương trình khuyến học “Nâng bước em đến trường” và câu chuyện nhân văn về “bữa cơm tình thương” được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện, đã thắp sáng ước mơ đến trường cho hàng trăm học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn.
Anh Rơ Ma Hly, ở thôn 4, xã Ia Dal, huyện Ia H’Rai, tỉnh Kon Tum cho biết: “Ở đây đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt, người dân chăm chỉ. Có Bộ đội Biên phòng tiếp sức cho nên kinh tế nhà Hly khá lên rồi. Người dân ở đây luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau lao động, sản xuất ổn định cuộc sống và làm giàu bằng đôi bàn tay của mình, để có cuộc sống ổn định, hạnh phúc”.
Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết: Thời gian qua, bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 đã phối hợp cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng; giúp đồng bào dân tộc thiểu số bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống mới, khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... Những việc làm thiết thực, hiệu quả, nghĩa tình của đơn vị đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, tô thắm tình đoàn kết quân dân, làm vẻ vang thêm truyền thống của Quân đội Anh hùng.