Những lưu ý với người lao động khi đăng ký nhận hỗ trợ tiền thuê nhà

NDO -

Thời gian tới, gói an sinh xã hội 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được triển khai. Người lao động cần lưu ý về một số điểm khác nhau trong chính sách để có thể nhận được hỗ trợ đúng chế độ.

Lao động tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (Ảnh: Thành Đạt).
Lao động tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (Ảnh: Thành Đạt).

Về đối tượng, theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Quyết định 08), có hai nhóm đối tượng với các điểm khác nhau để được thụ hưởng chính sách.

Theo đó, nhóm thứ nhất là nhóm người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là nhóm 1) và nhóm thứ hai là nhóm người lao động quay trở lại thị trường lao động (sau đây gọi tắt là nhóm 2).

Về phạm vi, đối tượng thuộc nhóm 1 phải là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm (*). Còn đối tượng thuộc nhóm 2 phải làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm (*).

Về mức hỗ trợ cũng có sự khác nhau. Nếu nhóm 1 được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng, thì nhóm 2 được hỗ trợ gấp đôi, với mức 1 triệu đồng/người/tháng. Cả hai nhóm đều có thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Người lao động cần bảo đảm đủ 3 điều kiện  để được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08.

Thứ nhất, về thời gian thuê trọ, nhóm 1 được quy định từ ngày 1/2-30/6/2022, còn nhóm 2 là từ ngày 1/4-30/6/2022.

Thứ hai, về hợp đồng lao động, người lao động thuộc nhóm 1 cần có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước 1/4/2022. Còn người lao động thuộc nhóm 2 cần có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 30/6/2022.

Thứ ba, về điều kiện đang làm việc, người lao động của cả 2 nhóm đều cần đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì phải có tên trong danh sách trả lương.

Theo ước tính của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, gần 3,4 triệu người lao động sẽ được hỗ trợ gói an sinh xã hội này. Trong đó, có 2,9 triệu lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và hơn 500 nghìn người quay trở lại thị trường lao động.
Kinh phí của chương trình là khoảng 6.600 tỷ đồng, được trích từ ngân sách nhà nước.

Về phương thức chi trả, người lao động thuộc nhóm 1 có thể được chi trả hằng tháng, hoặc có thể gộp 2 tháng, 3 tháng. Còn người lao động ở nhóm 2 được chi trả hằng tháng.

Nếu trong trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động, họ sẽ được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người lao động và người sử dụng lao động cũng cần lưu ý, thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022 với cả hai nhóm đối tượng.

Thời gian thực hiện các thủ tục chi trả mất khoảng 11 ngày làm việc. Cụ thể, người sử dụng lao động tổng hợp và niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày. Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách trong 2 ngày. Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động trong 4 ngày. Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền.

Phạm vi áp dụng:
(*) Khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
(*) Khu vực kinh tế trọng điểm gồm: Khu kinh tế được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm được quy hoạch, thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Lao động và việc làm