Những giáo dân trách nhiệm với buôn làng

NDO - Thời gian qua, nhiều giáo dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngoài việc sống tốt đời, đẹp đạo còn thực hiện tốt công tác vận động người dân sống theo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, tham gia các phong trào yêu nước…
0:00 / 0:00
0:00
Già làng, Nghệ nhân ưu tú A Plung tận tình với văn hóa dân gian.
Già làng, Nghệ nhân ưu tú A Plung tận tình với văn hóa dân gian.

Tỉnh Kon Tum hiện có 5 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo) với số lượng tín đồ chiếm gần một nửa dân số toàn tỉnh, phần lớn tín đồ là người dân tộc thiểu số. Vì vậy để tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, cấp ủy các cấp tỉnh Kon Tum thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, coi đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, làm tốt công tác này, góp phần ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, chống phá.

Những giáo dân trách nhiệm với buôn làng ảnh 1

Già làng A H'Lơn (phải), tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Nằm phía Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Đắk Hà có 28 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống với trên 45% dân số là người theo các tôn giáo. Cùng với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng việc phát huy trách nhiệm, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng của đội ngũ già làng, giáo sĩ, giáo dân người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo trên địa bàn huyện.

Những giáo dân trách nhiệm với buôn làng ảnh 2

Già làng A Thuih truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho thanh thiếu niên.

Họ trở thành những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt dân làng đến với ấm no, thể hiện được vai trò làm “cầu nối” truyền tải những vấn đề quan quan trọng của đất nước, của địa phương đến với bà con nhất là đồng bào có đạo.

Tiêu biểu như ông A Nẻo, người Ba Na nhánh Rơ ngao tại thôn Đắk Kang Yốp, xã Đắk Hring. Là người theo đạo lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, ông A Nẻo càng ý thức hơn trách nhiệm của mình với dân làng.

Những giáo dân trách nhiệm với buôn làng ảnh 3

Trưởng thôn A Nẻo (thứ hai từ trái sang) phối hợp công an xã tuyên truyền thu hồi vũ khí, vật liệu nổ.

Bên cạnh vận động bà con dân làng sống tốt đời đẹp đạo, tự lực trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bản thân ông còn trực tiếp tham gia giữ khối đoàn kết ở khu dân cư. Vận động bà con trong thôn đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư.

Được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn dòng sông Pô Kô hùng vĩ, ngay từ thời thanh niên, ông đã nuôi dưỡng khát vọng vươn lên làm giàu từ ngôi làng nơi mình sinh ra. Ông A Nẻo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, hiệu quả sử dụng đất.

Với hướng đi đúng đắn, đến nay, ông A Nẻo đã sở hữu trên 4ha cây công nghiệp có giá trị như cà phê, cao su, cây ăn trái và chăn nuôi bò, heo, dê. Trung bình mỗi năm, gia đình có khoản thu nhập trên 300 triệu đồng, đồng thời tạo điều kiện việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong thôn.

Cách đường Quốc lộ 14 hơn 7km về phía tây, làng Kon Trang Mơ Nây của xã Đăk La nằm yên bình giữa bạt ngàn cà phê, cao su trù phú. Vào làng, hỏi thăm già làng A H’Lơn, ai ai cũng biết. Già A H’Lơn là người tiên phong trong việc vay vốn của Nhà nước để phát triển trên 1.200 cây cà phê.

Những giáo dân trách nhiệm với buôn làng ảnh 4

Đồng chí Ka Ba Tơ, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà thăm, tặng quà cho người có uy tín tại Giáo xứ Đắk Mút, xã Đắk Mar.

Khi cây cà phê cho thu hoạch, với số tiền thu nhập được, ông A H’Lơn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi bò, dê theo hướng kinh tế tuần hoàn và vươn lên thành một trong ít người có kinh tế khá nhất vùng với thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Trải lòng về hành trình vượt khó, vươn lên làm giàu của mình, già A H’Lơn cho biết: “Trước kia đường xá đi lại khó khăn thì khác, nay giao thông thuận tiện hơn, Nhà nước lại đầu tư nhiều công trình phục vụ sản xuất, hỗ trợ cho vay vốn thì mình phải biết tận dụng để làm ăn. Tranh thủ những lúc họp với dân làng, tuyên truyền cho họ sống làm sao theo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mình làm trước, rồi tuyên truyền thì người dân mới tin, mới làm theo”.

Sau nghe theo già A H’Lơn khuyên bảo, nhiều hộ dân làng Kon Trang Mơ Nây đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất cây sắn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Theo ông A Bi, trưởng thôn Kon Trang Mơ Nây, đến nay, dân làng đã phát triển được gần 200ha cà phê, 150ha cao su, trên 1.000 cây ăn trái trồng xen canh trong vườn và chăn nuôi được gần 350 con bò, dê. Người làng tin, nghe và làm theo già làng A H’Lơn, đời sống khấm khá hơn, con em ai nấy đều được đến trường. Toàn thôn có 157 hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Tại thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đắk Hà, già làng A Thuih được người dân quý mến và tin yêu hết mực vì ông không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, mà cái tâm của ông trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã “đánh thức” những con tim dân làng.

Sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vào năm 2018, trách nhiệm của già A Thuih càng nặng nề hơn. Khi vừa một lúc đảm nhiệm làm “nhạc trưởng” của đội nghệ nhân dân gian với 42 thành viên, sẵn sàng tham gia biểu

diễn trong và ngoài huyện. Vừa là người thầy tận tâm truyền dạy, “giữ lửa” văn hóa dân gian cho 3 lớp cồng chiêng, xoang ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Già A Thuih cho biết: Mong muốn lớn nhất của ông là sau này, mỗi đứa trẻ trong làng sinh ra đều biết sử dụng thành thạo cái cồng, con chiêng, biết chơi nhạc cụ truyền thống, thành thục các làn điệu dân ca. Để mai sau, khi những lớp người già mất đi, thì những giá trị văn hóa dân gian của người Ba Na nhánh Rơ ngao sẽ mãi còn được lưu truyền nguyên giá trị.

Để có được thành quả như hôm nay, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chức sắc, tín đồ tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các cơ sở, chức sắc tôn giáo nhân dịp các lễ trọng của tôn giáo; gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tranh thủ các ý kiến của các tổ chức, chức sắc tôn giáo về một số nội dung liên quan đến công tác tôn giáo để kịp thời phản ánh, đề xuất cho các cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết.