Chị Nguyễn Sông Hương, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại của Hội cho biết, hiện nay Hội Âu-Việt có hai lớp tiếng Việt, lớp lớn từ 10 - 15 tuổi và lớp bé 5 - 9 tuổi, gồm 30 học sinh. Các lớp tập thể gồm võ thuật dân tộc, hát, múa, đàn T’rưng, bộ gõ và các lớp đàn dân tộc cá nhân gồm đàn tranh, đàn bầu và đàn nguyệt dành cho cả trẻ em và người lớn, sinh hoạt vào thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần. Hội Âu-Việt luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ, giúp đỡ của Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Đội ngũ giáo viên và phụ trách của Hội có nhiều kinh nghiệm và được các em rất yêu quý, như ông Henri Cuve, ông Michel Introvigne, thầy Lê Kim Chi, cô Nguyễn Sông Hương, Jacqueline Florentin, Roger Apharel, Helène Nguyễn và thầy, cô giáo Jacqueline Sandra, Daniel Nguyễn, Diệu Thúy Introvigne, Rosalie Nguyễn…
Thầy Daniel Nguyễn, phụ trách dạy các loại nhạc cụ dân tộc. Sinh trưởng trong gia đình truyền thống về nhạc cụ dân tộc, Daniel Nguyễn chơi thành thạo nhiều nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, đàn T’rưng, đàn nguyệt, bộ gõ... Cô Jacqueline Florentin dạy đàn tranh và là người phụ trách các chương trình nghệ thuật của Hội Âu-Việt. Jacqueline hiện là giảng viên nhạc viện ở ngoại ô Paris, cô được các giảng viên nhạc viện giỏi ở Việt Nam đào tạo về đàn tranh.
Cả thầy Daniel và cô Jacqueline đều có mong muốn về sự tiếp nối, hết lòng truyền thụ lại những gì mình đã được học cho thế hệ sau. Các thầy, cô cũng hy vọng âm nhạc giúp các em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Thầy Daniel Nguyễn cho biết: “Dạy âm nhạc là một cách để truyền thụ cho các em những tinh hoa của âm nhạc dân tộc. Trong mỗi làn điệu đều chứa đựng một phần lịch sử, đạo lý, tình cảm mà chúng ta phải giải thích làm sao cho các em hiểu”.
Cô giáo Vũ Mai Anh, dạy tiếng Việt, từng làm giáo viên tiểu học trong một trường quốc tế trước khi sang Pháp. Đối với chị, việc dạy tiếng Việt ở Hội Âu - Việt là niềm đam mê và là cơ hội tốt để truyền tình yêu quê hương, đất nước và lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với các em nhỏ. Chị Mai Anh cho biết: “Các bạn nhỏ trong lớp đều rất vui vì được đến lớp, giờ học diễn ra sôi nổi. Hiện tại, chuẩn bị cho Chương trình đón năm mới, chúng tôi đang dàn dựng tiết mục kịch “Cô bé quàng khăn đỏ. Tất cả các bạn nhỏ đều tham gia, đóng vai và diễn bằng tiếng Việt. Đôi khi các bạn còn quên lời, nói ngọng nghịu nhưng đều rất hăng say “, cô Mai Anh nói.
Chị Rosalie Nguyễn là một bác sĩ và là giáo viên dạy hát, múa ở Hội Âu - Việt. Mặc dù rất bận rộn với công việc và nơi ở xa chỗ sinh hoạt của Hội, nhưng cuối tuần Rosalie đều cố gắng thu xếp đưa con đi học đàn và đến dạy các cháu Hội Âu - Việt hát, múa. Chị Rosalie Nguyễn tâm sự: “Tôi là người gốc Việt nhưng lớn lên ở Pháp. Bố mẹ đã dạy tôi đọc và viết tiếng Việt. Mẹ vẫn thường hát những bài hát Việt Nam mà tôi rất thích, nhưng tôi không có may mắn được theo học một hội đoàn song văn hóa có các hoạt động phong phú như Hội Âu - Việt, nơi các con tôi được học bây giờ”.
Chị Dương Quỳnh Hoa có chồng là người Pháp cho biết: “Chồng tôi luôn khuyến khích hai con theo học tiếng Việt và đàn bầu với các thầy, cô của Hội, để các con có hiểu biết về quê mẹ. Ngôn ngữ tiếng Việt là chìa khóa mở đường cho các con tôi về góp sức xây dựng quê hương trong tương lai nếu các cháu muốn”.
Có lẽ người chăm học nhất ở Hội Âu - Việt là Valentin Gofinet, 15 tuổi, có bố là người Pháp và mẹ là người Việt. Cho dù trời giá rét, tuyết rơi hay nắng nóng, nhà xa và phải đi học một mình nhưng hai năm qua em chưa từng nghỉ một buổi học nào và tham gia gần hết các môn học. Valentin Gofinet nói: “Cháu thích học tiếng Việt nhất vì mẹ cháu là người Việt Nam. Ngoài ra cháu còn học đàn T’rưng, chơi trống, hát và tập võ dân tộc”.
Hai chị em Elise Pandolfi (13 tuổi) và Oriane Pandolfi (12 tuổi) vừa có kỳ nghỉ thú vị ở Việt Nam với ông bà ngoại. Hai năm một lần, Oriane và Elise lại được bố mẹ cho về Việt Nam. Các em đã đi thăm Vịnh Hạ Long, Huế, Hà Nội... và được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản quê hương như phở, bún chả... Trở lại Pháp lần này, Oriane và Elise còn mang giúp các phụ kiện nhạc cụ dân tộc, áo dài cho các bạn ở Hội dùng trong đợt biểu diễn Tết Nguyên đán.
Giờ học đàn tranh với cô Jacqueline.