Sang Lào từ năm 1991 khi theo cha, một cựu quân tình nguyện Việt Nam quyết định lập nghiệp tại Lào, ông Phạm Phúc Hoàng (tên ở Lào là Vixay Inthavong) lúc đó mới 23 tuổi, bươn chải cuộc sống bằng nhiều nghề như chạm khắc vàng, bạc, đồ trang sức hay tìm mối đổ sắt, thép của các doanh nghiệp mang từ Việt Nam sang. Sau thời gian tích cóp vốn liếng và kinh nghiệm buôn bán, năm 2002, ông Hoàng thành lập Công ty xuất - nhập khẩu thép cây xây dựng. Đến năm 2012, khi nhận thấy thị trường xây dựng tại Lào phát triển mạnh, với vốn kiến thức về nghề cơ khí công nghiệp được học ở Việt Nam và các khóa đào tạo quản lý kinh tế sau này ở Lào, ông Hoàng thành lập Tập đoàn Xaychaleun Building Material Group. Trong đó, riêng nhà máy sản xuất gạch tuynel có vốn đầu tư hơn hai triệu USD xây dựng trên diện tích 5 ha tại ngoại ô Vientiane. Nhiều người thời đó cho rằng, việc mua toàn bộ dây chuyền, nhà xưởng hiện đại chuyên sản xuất gạch chất lượng cao từ Việt Nam sang là một quyết định mạo hiểm.
Mở ra lĩnh vực kinh doanh mới, nên trong thời gian đầu công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, nguồn nguyên liệu sản xuất và nhân công lao động. Thậm chí hai năm đầu sản xuất công ty đã phải chịu lỗ. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, đánh giá đúng nhu cầu thị trường, nhà máy đã nhanh chóng vươn lên, trở thành nhà máy sản xuất gạch lỗ xây dựng lớn nhất tại Lào. Sản phẩm của nhà máy được sử dụng trong nhiều công trình xây dựng lớn, như Tòa nhà Quốc hội Lào mới, trụ sở chính quyền Thủ đô Vientiane, khu đô thị Hà Đô, khu sân golf Long Thành…
Trong quá trình lăn lộn với anh em công nhân, ông Hoàng như người thợ cả luôn cầu thị, lắng nghe để cùng tìm ra những sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật. Còn với công nhân mới vào nghề, ông Hoàng thật sự là một người anh tận tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Họ đã sống thân thiết như những người anh em dưới một mái nhà chung.
“Ngoài việc được hỗ trợ ăn nghỉ, thu nhập của lao động Việt Nam trong nhà máy luôn ổn định ở mức cao so mặt bằng chung và còn được hỗ trợ đi lại về quê cùng lương, thưởng mỗi dịp lễ, Tết. Đó chính là đóng góp lớn nhất cho cộng đồng người Việt mà bản thân làm được”, ông Hoàng tâm sự.
Sau sáu năm đi vào sản xuất, hiện nhà máy gạch của ông đã có sản lượng 45 triệu viên gạch/năm với doanh số gần ba triệu USD. Không chỉ kinh doanh làm giàu, ông Hoàng luôn có ý thức tham gia đóng góp cho xã hội và cộng đồng người Việt tại Lào. Ông đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Lào, giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Với những thành công trong kinh doanh, tập đoàn của ông Hoàng đã đón nhận danh hiệu “Top 100 doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN” năm 2014 và giải thưởng “Doanh nghiệp triển vọng hội nhập ASEAN”.
Anh Phạm Phúc Hoàng hướng dẫn công nhân về kỹ thuật đánh giá chất lượng khi gạch vừa ra lò.
Bên cạnh những doanh nhân kiều bào Lào thành đạt bằng bàn tay và khối óc như Phạm Phúc Hoàng, còn có những người con xa quê có nhiều cống hiến, tham gia vào công tác xây dựng cộng đồng Việt Nam tại Lào như Lê Anh Đức, một kiều bào trẻ.
Trăn trở với phong trào hội đoàn, Đức tâm niệm hoạt động của cộng đồng người Việt phải phù hợp tình hình thực tế và đúng quy định nước sở tại. Nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đức cùng các hội viên tổ chức cơ cấu lại các chi hội trong Hội người Việt Nam Thủ đô Vientiane theo địa giới hành chính quận, huyện, làm thẻ hội viên, thành lập ban tư vấn pháp lý cho cộng đồng người Việt Nam tại Vientiane… Đây được đánh giá là bước đi cần thiết để tăng cường cơ chế phối hợp, cũng như giúp Ban Chấp hành Hội góp phần cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Lào bảo hộ công dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người Việt Nam tại Lào thiết thực và hiệu quả hơn.
Trên cương vị mới được bầu hồi tháng 7-2018 là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Thủ đô Vientiane, kiêm Chánh Văn phòng Hội, với sự tín nhiệm cao của cộng đồng người Việt tại Vientiane, Đức cho biết sẽ tiếp tục có những đề xuất với chính quyền Lào trong việc lập khu nghĩa trang mới cho bà con người Việt, sắp xếp và cơ cấu lại Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du để con em kiều bào có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục, đào tạo ba cấp bằng tiếng Việt tại Lào. Những đề xuất mới, mang tính đột phá trong xây dựng phong trào cộng đồng của Lê Anh Đức đã nhận được sự ủng hộ của mọi người, cũng như sự đánh giá cao của Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng trong Hội nghị Tổng kết công tác người Việt Nam ở Lào năm 2018.
Sự đóng góp bình dị nhưng đầy tâm huyết trong phong trào phát triển cộng đồng người Việt tại Lào như anh Hoàng, anh Đức sẽ góp phần hun đúc tinh thần Việt, khẳng định trí tuệ Việt để mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi tươi thắm cho muôn đời sau.