Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng chu đáo và kỳ công trong hơn hai năm, từ tháng 3-2014 đến ngày 19-5-2016, đúng dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Bác, bởi đội ngũ kỹ sư giỏi của Thái-lan và sự tư vấn của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nằm trong khuôn viên rộng 11.200 m2 ở bản Mạy, xã Nỏng Nhạt, thủ phủ tỉnh Nakhon Phanom, được chính quyền sở tại cấp miễn phí cho Hội người Việt gốc Thái của địa phương, cơ ngơi khang trang như hiện nay của khu tưởng niệm thể hiện tình cảm, sự tôn kính của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với quãng đời hoạt động cách mạng của Bác tại Thái-lan.
Khu tưởng niệm được đánh giá là công trình xây dựng có quy mô nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Bên ngoài là tấm biển đồng ghi vắn tắt lịch sử hình thành và quy mô, để du khách có thể nắm thông tin sơ lược khu di tích. Trên cổng chính có ghi dòng chữ “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nakhon Phanom” bằng cả tiếng Thái và tiếng Việt, cùng hai câu đối của Bác “Xa nước xa nhà nặng nghĩa đồng bào nơi viễn xứ/Thành tâm thành ý xây tình hữu nghị với lân bang”.
Khu tưởng niệm được chia làm 12 hạng mục, trong đó có hai phần chính, gồm phần di tích và phần phụ trợ. Trong phần di tích nổi bật là ao cá Bác Hồ, trong đó có 79 con cá chép vàng được vận chuyển kỳ công từ Ao cá Bác Hồ ở Hà Nội, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người. Đàn cá hiện sinh sôi thêm nhiều lứa, dưới sự chăm sóc, nuôi dưỡng của những người con gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom. Phía sau là dãy núi nhân tạo giống như thật, cộng hưởng ao nuôi cá phía trước tạo thành thế phong thủy “lưng tựa núi, mặt hướng sông”. Bên trái là khu nhà sàn đơn sơ nhưng toát lên vẻ thanh cao và bình dị với vách gỗ và mái tranh, tái hiện nơi sinh sống và làm việc của Người.
Tháng 7-1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Xiêm (Thái-lan). Cuối năm 1928, Người đến bản Mạy. Tại đây, với bí danh là Thầu Chín, người sống chan hòa với bà con Việt kiều. Thầu Chín đề nghị dân làng đổi tên từ bản Na Choọc (bản Chó rừng) thành bản Mạy, có nghĩa là “Làng mới”, đánh dấu sự đổi mới ở làng quê do cộng đồng người Việt lập nên. Thầu Chín huy động các thanh niên trong bản đốn gỗ và nung gạch để xây dựng một căn nhà sàn vừa làm nơi sinh hoạt, học tập và là nơi tá túc cho những cán bộ cách mạng từ trong nước sang. Nhờ đó, bản Mạy đã trở thành điểm tụ họp thường xuyên của nhiều người Thái gốc Việt. Thời kỳ này, người Việt ở Nakhon Phanom chưa biết rõ về Thầu Chín, chỉ thấy đó là người đàn ông dễ gần, chu đáo với bà con. Hằng ngày sau mỗi buổi làm việc, Thầu Chín cùng các thanh niên khác chơi đá bóng, dạy cho dân cách trồng lúa, trồng khoai, cách tiết kiệm tiền để sẵn sàng hướng về quê hương, giúp đỡ cách mạng. Người căn dặn bà con Việt kiều dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn hướng về quê hương, đất nước.
Công trình mang ý nghĩa văn hóa - lịch sử sâu sắc này là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái-lan, thể hiện Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Thái-lan nói chung và chính quyền tỉnh Nakhon Phanom nói riêng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Theo Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm Nguyễn Văn Xuyên, Di tích từ khi thành lập đã đón hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi tháng, trở thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hàng đầu của tỉnh Nakhon Phanom và vùng đông bắc Thái-lan. Đây là địa chỉ quan trọng để nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhất là về thời gian Người hoạt động cách mạng ở Thái-lan với bí danh Thầu Chín từ mùa thu 1928 đến cuối năm 1929. Công trình góp phần tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái-lan; là điểm đến hấp dẫn đối với người dân địa phương và khách du lịch.