Sinh ra trong một gia đình Việt kiều đã ba đời sống ở Campuchia nên ông Leng Rithy rất am hiểu ngôn ngữ và phong tục, tập quán của người Khmer. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Campuchia thật sự hồi sinh và mở cửa giao thương với thế giới, ở tuổi ngoài 30, chàng trai Việt kiều mạnh dạn mở công ty dịch vụ, thu mua nông sản, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhờ có mối quan hệ rộng rãi và được các hộ sản xuất tin tưởng nên công việc làm ăn của công ty thuận buồm xuôi gió.
Năm 1996, ông bỏ tiền nâng cấp gần 20 km đoạn đường nhựa từ huyện Snuol, tỉnh Kratie về cửa khẩu giáp tỉnh Bình Phước của Việt Nam. Nhờ có đoạn đường này, việc đi lại thăm thân, buôn bán của nhân dân hai bên thuận lợi hơn trước rất nhiều. Cùng năm đó, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk ký sắc lệnh phong tước “Oknha”, một tước hiệu quý tộc cho ông. Đây là sự ghi nhận đặc biệt của Hoàng gia đối với những đóng góp nổi bật của một cá nhân trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.
Sau nhiều lần đi khảo sát trong những cánh rừng khộp ở tỉnh Kratie, ông đã tìm ra một mỏ đá granite lớn và được Bộ Mỏ - Quặng & Năng lượng Campuchia cấp giấy phép khai thác trong thời gian hơn 40 năm. Việc khai thác, xây nhà máy chế biến đá granite của “Oknha” gốc Việt được lãnh đạo và nhân dân địa phương hết lòng ủng hộ. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ khánh thành nhà máy chế biến đá granite đầu tiên của công ty và cũng là của Campuchia năm 2011, ông Huar Sidem, Phó Tỉnh trưởng Kratie nhấn mạnh, sự ra đời của nhà máy đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng Campuchia. Công ty Rithy Granite Cambodia đã thu hút nhiều doanh nghiệp tới đầu tư tại một tỉnh còn khó khăn như Kratie, trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, công việc khai thác, chế biến đá granite trên khu mỏ rộng 540 ha của “Oknha” Leng Rithy và bảy công ty vệ tinh thu hút gần 1.000 công nhân bản địa và người gốc Việt đến làm việc. Lương tháng trung bình của người lao động tại đây khoảng hơn 300 USD, cao hơn nhiều so mức lương công nhân ở các khu công nghiệp.
Anh Huỳnh Văn Đường, 44 tuổi, Việt kiều tỉnh Pursat, là công nhân cơ khí của “Oknha” Leng Rithy từ hơn 20 năm trước. Hiện nay, anh đã xây dựng gia đình, có nhà cửa đàng hoàng, con cái được học hành đầy đủ. Trong khi đó, ông Seng Saran (65 tuổi), Trưởng Phòng hành chính, có hai con trai lái xe tải trong mỏ đá, chia sẻ: Những ngày đầu vô cùng khó khăn. “Oknha” Leng Rithy đã động viên anh em chung sức mở một con đường dài hơn 10 km ra đến tỉnh lộ để xe của doanh nghiệp đi lại và cũng giúp cho người dân địa phương đỡ vất vả. Giờ đây, dọc theo con đường này đã có nhiều người dân xây nhà, mở dịch vụ, có điện, đường, trường, trạm, có việc làm ngay trong khu mỏ. Theo ông Saran, nhiều công nhân khi vào làm tại đây được đào tạo nghề và trở thành những kỹ thuật viên giỏi. Bà con có việc làm ngay tại quê hương mình, không phải xa gia đình đi làm ăn ở nơi khác.
Anh Huỳnh Văn Đường có cuộc sống hạnh phúc trong nhà máy chế biến đá Granite.
Ngoài việc điều hành doanh nghiệp, “Oknha” Leng Rithy còn là Trưởng Văn phòng đại diện của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Hơn 10 năm qua, ông cùng các đơn vị trồng cao-su trực thuộc Tập đoàn đã giải quyết được nhiều vấn đề then chốt như chọn được đất tốt để trồng cao-su, vấn đề thuế và tài chính, tổ chức sản xuất. Đến nay, các đơn vị đã trồng được khoảng 100.000 ha cao-su, trong đó nhiều nông trường đã khai thác mủ và xuất khẩu.
Leng Rithy tự hào về nguồn gốc Việt của mình và luôn tâm niệm sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp cho tình hữu nghị, anh em giữa hai đất nước Campuchia - Việt Nam. Năm 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng bằng khen cho ông Leng Rithy vì những thành tích xuất sắc trong củng cố, phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương đất nước.