Chẳng có ý gì khác, chỉ là để ngắm mây thôi.
Mỗi khi có gì đó làm buồn bực, người ta hay tìm đến những cách thức phù hợp để dịu lòng. Uống rượu, shopping, nghe nhạc, đọc sách hay tìm một việc gì đó để làm… Được cái, khắp dải đất hình chữ S thân thương này, những vùng còn có mây bay nhiều lắm.
Tại sao phải nói rõ những vùng còn có mây bay. Vì rõ ràng là mây đang vắng dần trên bầu trời những đô thị lớn và những khu công nghiệp. Đã có những ngày bầu trời như bị vẩy lấp bởi mầu trắng đục. Khói bụi, bụi mịn, không khí ô nhiễm đang là một thực tế không thể chối bỏ. Những cái khẩu trang bịt mặt ngày càng chứng tỏ giá trị thực tiễn và phổ biến rộng rãi theo cấp số nhân, đến mức được coi như một phần tất yếu của cuộc sống. Ra đường, cứ phải bịt lên mặt một cái khẩu trang dày cộp như thế, đeo một cái kính đen xì lên mắt như thế, cuộc sống chắc chắn bớt thi vị đi nhiều lắm. Nhưng đành! Sức khỏe là quan trọng nhất. Những thú vui vẩn vơ mây gió chẳng có ý nghĩa gì, nếu không sức khỏe.
Rồi thành ra xa xỉ, những lần thoát khỏi cái khẩu trang, thoát khỏi phố thị đông đúc chật chội ồn ào, đi đâu đó để được thảnh thơi ngước mắt lên trời, nhìn những cụm mây như bông lênh đênh, nhớ lại thời trẻ con nằm trên cỏ đố nhau xem đám mây hình con gì. Hoặc chỉ nhìn mây bay thôi. Những lúc ấy, có lẽ chẳng cần phải nghĩ gì, nói gì, bỗng dưng thấy lòng nhẹ bẫng. Nhẹ như mây! Cứ tưởng dễ nhưng thật ra không dễ. Có lần ngồi với đạo diễn phim tài liệu, NSND Đào Trọng Khánh, nghe ông đọc một câu thơ bảo là của Tế Công, “Đám mây năm xưa đã cùng ta uống rượu/Giờ làm mưa nơi nao?”. Mà thấy cái việc nhìn mây cũng giống như cái việc nhìn vào ký ức, nhìn lại cuộc đời.
Mà, nhắc lại nhé, trên đất nước Việt Nam (trừ những chỗ ô nhiễm không khí), thì mây nhiều lắm, đẹp lắm. Ừ thì đất nước nào chẳng thế, có bầu trời rộng rãi là có mây. Trời thì đâu chẳng có. Nhưng chắc chắn không ở đâu như Việt Nam, với địa hình hết sức phong phú, những nơi gọi là thiên đường mây kể ra không hết. Đỉnh núi cao, là nơi mây phủ. Người ta cho rằng có tám điểm ngắm mây đẹp nhất Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến đỉnh Phan Xi Păng, nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143 m. Rồi đến đỉnh Bạch Mộc Lương Tử - Núi Muối, cao 3.000 m, nằm trên ranh giới hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Thấp hơn một chút, đỉnh Tà Chi Nhù thuộc Yên Bái, cao 2.979 m. Những đỉnh cao như thế đương nhiên ở giữa biển mây. Người ta đến với mây ở đây cũng là tham gia những cuộc chinh phục đỉnh cao chứ không chỉ để ngắm nhìn vu vơ mây bay gió thổi. Thành phố Sa Pa cũng vốn nổi danh là một biển mây. Nhưng đã đến Lào Cai ngắm mây, thì phải đi xa hơn chút, lên đỉnh Y Tý ở huyện Bát Xát, nơi những ngôi nhà trình tường độc đáo của người Hà Nhì, một địa chỉ không thể không đến cho những kẻ chuyên săn mây cuối thu đầu đông hằng năm. Cũng không ai yêu mây mà bỏ qua được dãy núi Tam Đảo dài gần 80 km bắc qua ba tỉnh miền núi phía bắc. Phải kể thêm đỉnh Mường Móc, Mộc Châu, Hòa Bình, đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng). Cố nhiên thành phố Đà Lạt của tỉnh cao nguyên Lâm Đồng, là nơi mây vờn trong từng con phố, phải được kể tên.
Tất cả những điểm mây lừng danh ấy, thật ra chẳng thấm tháp gì. Còn hàng nghìn, hàng vạn những điểm khác để nhìn mây trên khắp đất nước. Vấn đề chỉ là, nhìn mây để làm gì thôi? Không ít người coi nhìn mây là trò vô nghĩa. Thế nhưng thế giới đầy những điều kỳ lạ. Chẳng hạn, nếu ta quan tâm đến mây, thì cũng nên biết trên thế giới có hẳn một cộng đồng ngắm mây. Một thầy giáo người Anh, Gavin Pretor Pinney lập ra cộng đồng này năm 2004. Ông ta coi đó là chuyện vui và không nghĩ sẽ có nhiều người tham gia. Ngờ đâu sau buổi ra mắt, số người đăng ký tham gia cộng đồng quá lớn. Do vậy Gavin đã lập ra website https://cloudappreciationsociety.org để dành cho những người ngắm mây trên toàn cầu. Ông ta cũng viết hẳn một cuốn sách hướng dẫn ngắm mây A Cloudspotter’ Guide. Tính đến năm 2017, trang web của Gavin đã có 42.000 thành viên đến từ 115 quốc gia.
Việt Nam không biết có là một trong 115 quốc gia ấy không, nhưng số người tự gọi mình là kẻ săn mây ở mọi miền đất nước không hiếm. Vào những trang du lịch kiểu phượt, đọc những lời dặn dò nhau tháng nào nên lên Y Tý, tháng nào nên vào Bà Nà, tháng nào ra biển Ninh Thuận…, cũng thấy việc ngắm mây là việc rất nghiêm túc của một số người.
Mà tại sao vô nghĩa chứ? Khi để đi ngắm mây, người ta đến được bao nhiêu vùng miền tuyệt đẹp của đất nước. Gặp biết bao con người dễ thương dễ mến. Tháng vừa rồi lên Y Tý, chúng tôi gặp Lý Xá Xuy, cậu thanh niên nhỏ con sinh năm 1993. Đã tốt nghiệp khoa Cơ khí Đại học Nông nghiệp, chàng thanh niên Hà Nhì vì yêu mây mà quay trở lại quê hương, làm cái homestay nhà trình tường ở chính giữa điểm mây Ngải Thầu. Những ngôi nhà để khách du lịch có thể trú lại vùng này hiện đang rất ít, mà khách du lịch thì ngày một đông lên bất chấp đường xa. Mây Y Tý chắc chắn sẽ đem lại những khoản thu nhập vật chất không phải chỉ để nhìn ngắm cho dân trong vùng, một vùng đất hiện đang rất nghèo.
Vẩn vơ chuyện mây để có thể chạm vào những miền mây xa, dù là trong ý nghĩ. Người ta nhìn mây để biết sự dài rộng, giàu đẹp của đất nước. Nói cho cùng là vậy, chứ không phải chỉ nhìn mây để biết thời tiết và xoa dịu những nghĩ suy thường nhật, dẫu điều ấy cũng rất cần.
Trên đỉnh Mã Pì Lèng. Ảnh: LÊ MINH