Góc bình yên mùa nước nổi

Hằng năm, mùa nước nổi (còn gọi mùa nước lũ) lại tràn vào đồng ruộng mang theo tôm cá, phù sa, giúp người dân An Giang có thêm thu nhập. Mùa này, làng quê thật bình yên với cảnh người dân đặt dớn, kéo lưới, chài cá, hái rau thủy sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đồng nước nổi Ô Long Vĩ của vùng Láng Linh xưa.
Một góc đồng nước nổi Ô Long Vĩ của vùng Láng Linh xưa.

An Giang là vùng đầu nguồn nên mùa nước nổi mang sắc thái riêng so với các vùng hạ lưu sông Cửu Long. Mới đây, chúng tôi tới vùng lũ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú thấy đông đảo người dân, du khách từ các nơi kéo về vui chơi “Ngày hội mùa nước nổi và đua xuồng” do Ủy ban nhân dân huyện tổ chức.

Đây là lần đầu tiên ngày hội được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi để du khách hiểu rõ hơn về con nước trầm đục dòng phù sa. Cùng với giải đua xuồng, còn có các trò chơi gắn liền với mùa nước nổi như làm bè nổi, đi cầu tre, kéo côn, bắt cá lóc đồng, bắt cua, ốc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang chia sẻ, lần đầu tiên được ngắm khung cảnh đồng nước yên ả cùng những món ăn chế biến mang hồn cốt của mùa nước nổi như bông điển xào tép, cá linh nướng, càng cua đồng rang muối… giúp chị hiểu rõ hơn thế nào là sức sống mùa nước nổi. Không khí đồng quê Thạnh Mỹ Tây rộn ràng những tiếng hò hét bắt cá, bắt cua, tiếng cổ vũ các đội đua xuồng.

Ngắm cảnh này, ông Cao Văn Long Ân, nông dân xã Ô Long Vĩ nhớ lại: “Lúc trước, vào mùa nước lên thì vùng này bốn bề là nước, có nơi sâu hơn 5m, không dám bơi xuồng vì đồng trống gió lớn quật chìm xuồng”. Ông Ân giải thích, các xã Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vĩ, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Vĩnh Trung của huyện Châu Phú từng được gọi là Láng Linh. Gọi như thế vì vào lũ, vùng này ngập linh láng nhấn chìm đường lộ, ngập dâng nhà sàn. Các sinh hoạt của người dân trong vùng bị đảo lộn, người nào bạo bệnh mất phải mang lên núi chôn tạm vì nước phủ mênh mông không đào huyệt được.

Nhưng đó là chuyện xưa, mùa này, xuyên qua vùng Láng Linh, dọc bên đường, nhà tường mọc chen chúc thay cho nhà sàn; xe gắn máy, xe ô-tô chạy bon bon trên lộ. Những cánh đồng một mầu trắng xóa nước ngày nào thì nay có nơi nông dân mở đồng đón phù sa, nơi đê bao khép kín trồng cây ăn trái, trồng lúa.

Theo các bờ kênh, người dân tận dụng con nước trồng rau thủy canh kiếm thêm thu nhập. Từ ấp Long Thành, xã Ô Long Vĩ, chúng tôi ngó ra cánh đồng mùa nước nổi, thấy bóng ngư dân thong dong chèo xuồng đánh bắt cá, xa xa là rặng Thất Sơn mờ ảo tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.

Từ năm 2002, Trung ương và tỉnh mở kênh rạch, đào kênh thoát lũ, xây dựng đập tràn điều tiết nước lũ, vùng Láng Linh không còn nước dữ như xưa. Đó cũng là bức tranh toàn cảnh của vùng An Giang trong những mùa nước sau này. Những nơi từng khổ sở vì ngập lụt như rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), xã Phú Lộc (thị xã Tân Châu), sông Vàm Nao, xã Tân Trung (huyện Phú Tân) thì bây giờ nước chỉ lé đé. Người dân và chính quyền địa phương đang tận dụng đặc sản cá linh, cảnh đẹp để khai thác du lịch. Thực tế cho thấy, mùa nước nổi với các hoạt động đặc thù đã tạo nên cảnh độc đáo riêng. Nếu khai thác đúng mức, yếu tố này đưa vào làm du lịch sẽ hấp dẫn du khách.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đào Tuấn Sĩ thông tin, trong những năm qua, An Giang khai thác lợi thế kinh tế-xã hội từ mùa nước nổi, các hoạt động nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, hoạt động du lịch từng bước hình thành và phát triển. Có thể kể đến lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên (huyện An Phú), khai thác lợi thế mùa nước nổi tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), tại xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú).

Về định hướng gần, Sở phối hợp các huyện, thị xã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức “Ngày hội mùa nước nổi” gắn với phát triển du lịch địa phương. Về lâu dài, Sở sẽ tham mưu cho chủ trương tổ chức và khai thác mùa nước nổi gắn với du lịch, cụ thể là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch mùa nước nổi, trong đó chú trọng xây dựng đề án hoặc kế hoạch gắn với các huyện, thị xã vùng biên (nơi lũ đầu nguồn về sớm), định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức sự kiện và luân phiên từng địa phương.