Miền Tây lo mất mùa nước nổi

Lũ muộn, về thấp hơn trung bình nhiều năm, nên các chuyên gia dự báo, khả năng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2023-2024 đến sớm hơn, gay gắt hơn và gần như sẽ mất mùa nước nổi.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mang lưới vào đồng bắt cá trong mùa lũ. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Người dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mang lưới vào đồng bắt cá trong mùa lũ. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Thiếu hụt lượng nước lớn

Mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long thường rơi vào tháng 8 đến tháng 11 hằng năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nước lũ về khá ít và chậm hơn mọi năm.

Thời gian này, cánh đồng rộng hàng trăm ha thuộc xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu đón con nước về. Anh Lê Văn Lùn ở xã Thường Thới Hậu A tranh thủ đặt hai cái dớn trên đồng để bắt cá. Anh Lùn cho biết, hiện giờ, nước xả vào đồng chưa lâu, mực nước còn thấp nên cá chưa nhiều nhưng mỗi ngày anh cũng bắt được hơn 1 kg cá các loại. "Tháng bảy (âm lịch) nước nhảy khỏi bờ" là kinh nghiệm dân gian khi mùa nước nổi bắt đầu xuất hiện, khi đó cá tôm "chạy" rất nhiều và người dân "sống khỏe", anh Lùn nói. Cũng theo nhiều người dân sống cố cựu ở vùng lũ Hồng Ngự, hiện nay, mực nước còn thấp hơn cùng kỳ mùa lũ năm trước khoảng hai tấc. Tâm trạng nhiều cư dân vùng lũ mong con nước lên cao hơn để có nhiều cá tôm, có thêm thu nhập.

Tương tự, người dân khu vực ngoại thành thành phố Cần Thơ cũng đang chuẩn bị cho một mùa làm ăn mới, mùa đánh bắt thủy sản theo con nước nổi. Sản xuất nông nghiệp cũng dựa theo mùa nước nổi để xuống giống lúa thu đông, nuôi trồng thủy sản… Nhưng năm nay mùa nước nổi về muộn. Ông Nguyễn Văn Hải, ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho biết: "Ðến nay đã giữa tháng bảy âm lịch nước dưới sông vẫn thấp, thậm chí trong những ngày qua, nước trong ao mương, ruộng vườn vẫn ít. Với tình hình này, theo kinh nghiệm của tôi, tình trạng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản sẽ hạn chế".

Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam cho biết, ở thời điểm này mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Cụ thể, nguồn nước từ sông Mê Công đổ về đồng bằng sông Cửu Long qua trạm Kratie từ ngày 1/6 đến 24/8 mới chỉ đạt 107 tỷ m3, so trung bình nhiều năm ít hơn đến 27,8 tỷ m3, khiến cho mực nước sông ở mức thấp, ngày 24/8 là 15,7 m, thấp hơn trung bình nhiều năm 2,9 m. Cùng ngày, mực nước tại Biển Hồ đạt 4,7 m, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm 2,93 m, dẫn đến tình trạng lượng nước đổ về vùng đầu nguồn sông Cửu Long thấp. Một trong những nguyên nhân là do trước đó lượng mưa trên khu vực hạ Mê Công ở mức thấp vì gió mùa tây nam yếu. Nguyên nhân quan trọng là do các đập thủy điện thượng nguồn Mê Công trước đó đã tích một lượng nước rất lớn. Theo Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện Mê Công (MDM), tuần trước đó, các đập trên các phụ lưu đã tích trữ lượng nước khổng lồ 3,8 tỷ m3 để lấp đầy các hồ chứa.

Bảo đảm sản xuất và sinh kế

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nay đến tháng 11/2023, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần song ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 có xu thế giảm dần và có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. "Trong các tháng mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn", ông Lâm nhấn mạnh.

Lũ thấp, dự báo mùa mưa lại kết thúc sớm, đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt nhiều nguy cơ như thiếu phù sa và cát dẫn đến gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún mặt đất. Nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh, nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp trong mùa hạn mặn sắp tới còn thiếu. Vì vậy, nhiều địa phương tại châu thổ Cửu Long đã xây dựng kế hoạch ứng phó với các kịch bản, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, làm cơ sở để triển khai các giải pháp công trình, phi công trình và huy động các nguồn lực trong phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cụ thể như, thành phố Cần Thơ chỉ đạo các địa phương tập trung huy động nguồn lực tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn triều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu bảo đảm bảo vệ lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản… Tại Đồng Tháp, tỉnh đã đề nghị các ngành, địa phương xây dựng phương án cụ thể phải làm sao vừa ứng phó được các tình huống hạn hán, xâm nhập mặn, vừa phù hợp điều kiện sản xuất, sinh hoạt ở địa phương.

Theo các chuyên gia, hiện tại chúng ta vẫn chưa rõ cường độ El Nino năm nay mạnh đến mức nào. Tùy theo độ mạnh của El Nino thì lượng mưa sẽ giảm tương ứng. Lượng mưa ít trên lưu vực sông Mê Công sẽ dẫn đến mùa lũ năm nay sẽ thấp, ảnh hưởng đến vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, nhất là các mô hình canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ như nuôi cá, tôm càng xanh trên đồng, các loại hình du lịch mùa lũ. Mặt khác, lũ thấp gây thiếu phù sa, sẽ ảnh hưởng đến vụ sản xuất năm sau. Sang đến mùa khô 2024, mối lo sẽ là hạn mặn ở vùng ven biển. Vì vậy, ngành nông nghiệp và bà con nông dân nên quan sát chặt chẽ tình hình để có thể ứng phó kịp thời. Theo đó, đối với những năm El Nino cực đoan quá mạnh thì cách thích ứng tốt nhất trước mắt là chủ động né hạn mặn bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ theo kinh nghiệm của các tỉnh ven biển hồi mùa khô 2020. Các cộng đồng ven biển cần chủ động tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô 2024.

Về lâu dài, cần thực hiện theo Quy hoạch tích hợp đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ công bố tháng 6/2022. Theo đó, vùng ngọt được lùi vào phía trong còn vùng ngọt-lợ sẽ được trả lại tự nhiên và canh tác theo mùa mặn ngọt chứ không cố chống lại mặn như trước đây. Song song đó, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho vùng ven biển cần phải được đầu tư thích đáng để giảm việc khai thác nước ngầm làm cho đồng bằng ngày càng sụt lún nhanh trong bối cảnh nước biển dâng.