Nhiều công trình ở Bạc Liêu chậm tiến độ

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 20 dự án lớn nhưng thi công ì ạch kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tiến độ dự án nâng cấp mở rộng Cảng cá Gành Hào. (Ảnh: TTXVN)
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tiến độ dự án nâng cấp mở rộng Cảng cá Gành Hào. (Ảnh: TTXVN)

Đến cuối tháng 7, tỉnh Bạc Liêu mới giải ngân vốn đầu tư công hơn 1.000 tỷ đồng, đạt hơn 30% so kế hoạch vốn đã phân bổ. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân hơn 757 tỷ đồng, đạt hơn 35% kế hoạch; giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hơn 200 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch,...

Ðáng lưu ý, trong số các doanh nghiệp thi công ì ạch, kéo dài, dư luận nhân dân đặt câu hỏi trước việc chỉ trong khoảng hai năm (2019-2020), Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Thành Sen (gọi tắt là Công ty Thành Sen) liên tiếp trúng thầu sáu dự án quy mô lớn tại Bạc Liêu, tổng vốn đầu tư từ ngân sách lên gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án, công trình do công ty này thi công đều theo kiểu "rùa bò" so với hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hiện tại, Công ty Thành Sen đang thi công dự án xây dựng, nâng cấp đê Biển Ðông từ nguồn vốn cấp bách chống biến đổi khí hậu, giá trị hợp đồng hơn 108 tỷ đồng; xây dựng, nâng cấp đê Biển Ðông và hệ thống cống qua đê, giá trị hơn 174 tỷ đồng; nâng cấp đô thị - Tiểu dự án thành phố Bạc Liêu, giá trị hơn 153 tỷ đồng; sửa chữa mái đê, khắc phục sạt lở, nâng cấp tuyến đê biển trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, trị giá hơn 66 tỷ đồng; xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới-Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, trị giá hơn 126 tỷ đồng,…

Theo các ngành chức năng ở Bạc Liêu, hầu hết những dự án trọng điểm nêu trên do công ty này thực hiện đến giữa tháng 7/2022 mới đạt từ 30% - 50% khối lượng theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Trong khi đó, công ty đã được các đơn vị chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Ðầu tư-Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu) cho tạm ứng trước gần 226 tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp Thành Sen, tại Bạc Liêu hiện nay, nhiều công ty khác cũng thi công các công trình, dự án chậm, chất lượng rất kém, vừa làm xong đã xuống cấp trầm trọng. Tuyến đường huyết mạch từ xã Ninh Quới đến thị trấn Ngan Dừa, thuộc huyện vùng sâu Hồng Dân (Bạc Liêu), tổng vốn đầu tư hơn 244 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư, sau gần 20 tháng thi công, đến nay công trình mới đạt khoảng 25% khối lượng, khiến giao thông đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ðại diện chủ đầu tư dự án cho biết, toàn tuyến đường Ninh Quới-Ngan Dừa có tám cây cầu được xây dựng mới; trong đó, bốn cầu đang triển khai, dự kiến đến cuối năm 2022 hoàn thành, còn lại một cầu chưa thể triển khai do phải chờ thảm một đoạn nhựa bê-tông mặt đường; ba cây cầu còn lại đang bị vướng mặt bằng.

Ngoài ra, dự án xây dựng cầu Xẻo Vẹt bắc qua sông Vàm Ngan Dừa, huyện Hồng Dân kết nối với Hậu Giang dài gần 950m, tổng vốn đầu tư hơn 77 tỷ đồng cũng do đơn vị này làm chủ đầu tư, theo kế hoạch hoàn thành vào quý III/2021 nhưng do nhiều vướng mắc, đến đầu tháng 8/2022 vẫn chưa hoàn thành dứt điểm.

Tại huyện ven biển Ðông Hải (Bạc Liêu), dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào trở thành cảng loại I, khởi công xây dựng nhiều năm nay vẫn dang dở. Lý do chủ đầu tư đưa ra rất nhiều, nhưng nhân dân khó chấp nhận, vì hàng trăm hộ ngư dân trong vùng hằng ngày rất khổ vì cảnh "bến không ra bến, cảng không ra cảng", cản trở sự phát triển của địa phương.

Ðáng lưu ý, riêng gói thầu mở rộng cầu tàu 600CV chỉ còn vướng ở một hộ dân, nhưng nhiều tháng qua, chính quyền địa phương vẫn không có giải pháp xử lý dứt điểm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần phê bình nghiêm khắc chủ đầu tư và đơn vị thi công; đồng thời cảnh báo nếu dự án Cảng cá Gành Hào không giải ngân đúng tiến độ, "ngâm vốn" kéo dài thì sẽ bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hồi toàn bộ vốn đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không có động thái gì chuyển biến.

Về vướng mắc tại dự án xây dựng, nâng cấp tuyến đường Hộ Phòng-Gành Hào dài 25km, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Hải, Tô Minh Ðương khẳng định, thực tế dự án không vướng giải phóng mặt bằng, nhưng nhà thầu không chịu thi công. Dự án triển khai từ năm 2018 và dự kiến thông tuyến đường vào dịp 30/4/2021, nhưng thời điểm này nhiều cây cầu trên tuyến chỉ mới gác dầm, đường dẫn hai bên đầu cầu chưa xong. Ðáng chú ý, đoạn đi qua xã Long Ðiền Tây, mặt đường chỉ mới đổ cát, trải đá sơ sài.

Ngoài ra, dự án đê Biển Ðông và hệ thống cống qua đê (đoạn qua địa bàn thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình), phương án bồi thường được phê duyệt trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn còn loay hoay xử lý vướng mắc đối với một số hộ dân chưa chịu nhận tiền giải phóng mặt bằng. Ở hạng mục cống kênh 7 và cống kênh 12, chính quyền địa phương và chủ đầu tư cũng chưa có cách nào để giải quyết yêu cầu của 21 hộ.

Trước hàng loạt dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của Trung ương và tỉnh triển khai kiểu "rùa bò", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Phạm Văn Thiều đã tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương để xử lý và tháo gỡ dứt điểm vướng mắc. Lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý các dự án tỉnh Bạc Liêu cũng nhiều lần mời các nhà thầu đến làm việc, đốc thúc thi công, song các nhà thầu nại ra đủ lý do như đại dịch Covid-19, giá vật liệu tăng cao và khan hiếm, thời tiết mưa gió kéo dài,…

Ðồng chí Phạm Văn Thiều cho biết, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm tiến độ các dự án trọng điểm, chỉ đạo các ban quản lý dự án và một số sở, ngành, chính quyền cơ sở có công trình, dự án trọng điểm chậm trễ cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà thầu thi công dự án nhanh, bảo đảm chất lượng. Các đơn vị rà soát, báo cáo nhà thầu nào năng lực kém, làm ăn tắc trách, cố tình thi công "chậm trễ" để Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, kiên quyết chỉ đạo chấm dứt hợp đồng.