Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế chiều nay 4/5 cho biết, mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến giao thông, lưới điện và gây thiệt hại đáng kể cho người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, gió lớn kèm giông lốc trong cơn mưa đã làm cho nhiều cây xanh ở các tuyến phố như Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo… (thành phố Huế) bị gãy cành, ngã đổ gây nguy hiểm cho người đi đường. Các trận giông lốc kèm theo mưa lớn vào trưa ngày 4/5 đã làm nhiều cây xanh ở các tuyến đường ở Yết Kiêu, Nguyễn Trãi… bị tước cành.
Đặc biệt, cây xanh một số vị trí như ở trên đường Trần Hưng Đạo đoạn phía Bắc cầu Phú Xuân, phường Đông Ba (thành phố Huế) bị gãy cành, ngã đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường, ách tắc giao thông; cây xanh ngã đổ vào đường dây điện gây ra sự cố mất điện cục bộ trong khu vực.
Cây xanh ngã đổ ở trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Huế) vì giông lốc. |
Ngay sau khi cơn lốc đi qua, Điện lực Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng đến xử lý hiện trường, khắc phục các sự cố điện trên địa bàn thành phố Huế. Trung tâm Công viên cây xanh thành phố Huế cũng đã huy động cán bộ công nhân viên tại đơn vị đang khẩn trương dọn dẹp cành cây ngã đổ, bảo đảm an toàn cho các phương giao thông và người dân qua lại trên tuyến phố.
Ngoài cây xanh bị gãy đổ, giông lốc còn làm hư hỏng biển hiệu, vỡ kính… một số công trình trên địa bàn thành phố Huế.
Cụ thể, tại một khách sạn trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Phú Hội, thành phố Huế), do mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm kính thang máy (ngoài trời) của khách sạn bị vỡ rơi xuống đường, nguy cơ vỡ các mảng kính còn lại gây nguy hiểm cho người đi đường.
Biển hiệu một công trình ở thành phố Huế bị giông lốc cuốn bay, vỡ kính. |
Sau giông lốc, nhận được thông tin từ cơ sở, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều xe cứu nạn, xe thang cùng 10 cán bộ chiến sĩ tham gia xử lý hiện trường, đưa kính vỡ thang máy của khách sạn xuống, bảo đảm an toàn cho người đi đường. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, không có người bị thương.
Trước đó, vào chiều tối 2 và ngày 3/5 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra những trận mưa kèm giông lốc. Tại huyện Phú Vang và thị xã Hương Thuỷ có mưa giông kèm gió mạnh. Lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 20-40mm có nơi cao hơn như hồ Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) 83,4mm; Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền) 60,6mm.
Cây phượng trên đường Phan Bội Châu bị gió thổi bật gốc. |
Theo Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trận giông lốc diễn ra chiều tối ngày 2/5 đã làm hơn 500 ha lúa trên địa bàn tỉnh bị ngã đổ, một số diện tích bị thiệt hại nặng. Các địa phương như thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang đã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục thu hoạch các diện tích lúa còn lại để tránh thiệt hại.
Tại thị xã Hương Thủy, tổng diện tích lúa bị đổ ngã 343,5 ha (trong đó, đổ ngã 100% là 222 ha, đỗ ngã từ 30-70% là 121,5 ha); thành phố Huế 100 ha đỗ ngã, đến thời đã thu hoạch được 3.100 ha, chiếm 85% diện tích gieo cấy; huyện Phú Vang gần 80 ha đổ ngã, chiếm 8,2% diện tích chưa thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương, Phú Đa…
Ngay sau cơn lốc đi qua, các địa phương đã chỉ đạo các ngành, ủy ban nhân dân các phường, xã trên địa bàn huy động lực lượng dân quân, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục thu hoạch các diện tích lúa còn lại.
Nhiều diện tích lúa ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị đổ ngã sau các trận giông lốc xảy ra, ảnh hưởng năng suất. |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Văn Anh cho biết: "Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có hiện tượng mưa, giông, lốc, chủ yếu tập trung ở Hương Thủy, Phú Vang và một số ở Quảng Điền, có một số nhà bị tốc mái, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại địa phương và khắc phục một cách kịp thời. Đối với lúa, sau khi nắng lên sẽ huy động các máy gặt. Nó cũng không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Những đợt mưa này cũng tạo điều kiện cho độ ẩm của đất, hạn chế cháy rừng”
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để thu hoạch nhanh, gọn vụ đông xuân, giảm căng thẳng cho sản xuất hè thu, các địa phương cần huy động tối đa máy gặt, máy cuộn rơm, máy làm đất; thực hiện đồng bộ các giải pháp vệ sinh đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học, cày lật đất ngay sau khi thu hoạch để diệt mầm mống sinh vật gây hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ hè thu.
Bộ đội cùng dân quân địa phương kịp thời khắc phục thiệt hại do lốc xoáy tại Trường tiểu học Phú Lương 1 (huyện Phú Vang), bảo đảm cho học sinh đến trường. |
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 10 ngày tới, nắng nóng chỉ xảy ra cục bộ một vài ngày nhưng không gay gắt như đợt vừa qua, nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có ngày trên 37 độ C. Buổi chiều và chiều tối mưa giông xuất hiện nhiều hơn hơn. Trong cơn giông cần đề phòng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm quy mô nhỏ như lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ và gió giật mạnh.
Đến giữa và cuối tháng 5, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, cường độ gay gắt hơn ở Thừa Thiên Huế. Địa phương cần đề phòng nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài nhiều ngày liên tiếp.