ND - Việc xây dựng lăng mộ là thể hiện truyền thống tốt đẹp "Uống nước, nhớ nguồn". Tuy nhiên, cũng cần chấn chỉnh một số biểu hiện thái quá.
Tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những bước phát triển vượt bậc, nhiều người dân không những đã đủ ăn, đủ mặc mà còn vươn lên làm giàu. Bên cạnh việc mua sắm, trang bị những tiện nghi hiện đại phục vụ sinh hoạt gia đình, nhiều người còn nhớ đến những người thân đã khuất, tổ chức xây lăng, đắp mộ, thờ tự, cúng giỗ... khang trang. Ðây là thể hiện truyền thống tốt đẹp "Uống nước, nhớ nguồn". Bên cạnh đó, cũng cần chấn chỉnh một số biểu hiện thái quá.
Bạn đọc Sơn Trà (Bắc Ninh): Mấy năm gần đây, làng quê có sự thay đổi toàn diện, đời sống người dân khấm khá hơn, các gia đình, dòng họ đua nhau xây cất mồ mả. Có dòng họ quây cả khu vực, xây tường bao, xây mộ gia tộc, dòng họ theo dãy mộ. Lại có gia đình, dòng họ mạnh ai người ấy xây mộ tổ tiên mình. Ðến các nghĩa địa ở vùng quê, mộ xây cất đủ hình, đủ kiểu dáng kiến trúc, cũng ốp lát, đổ mái bằng, xây chóp. "Nhà mồ" ở nông thôn ngày nay cũng khoe mẽ, thi nhau khuếch trương với niềm ước muốn phi lý: xây mộ to đẹp, tiên tổ sẽ "phù hộ độ trì cho cháu con làm ăn khá giả, cầu được ước thấy, an khang, thịnh vượng". Người nghèo xây quây tròn, hết khoảng 200 viên gạch/ngôi. Song cũng có những ngôi nhà mồ xây hết 2.000 - 3.000 viên gạch, xây nhiều bậc tam cấp, xây lầu sen, mộ gắn bia (có hình người mất, chữ tàu và chữ ta), ốp đá hoa, đá xẻ, tốn tới 3 - 4 triệu đồng/ngôi. Xây mộ to, mộ đẹp ở nông thôn đang trở thành "mốt".
Bạn đọc Vĩnh Linh (Quảng Ngãi): Ngoài việc có nơi người dân đua nhau đổ tiền xây lăng, mộ cho tổ tiên, người thân quá sức, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho những người thân, làng xóm khi phải đua tranh, đóng góp..., có nơi người sống còn quá nghèo, cơm chưa đủ ăn, nhà ở tạm bợ, nhưng cũng phải vay mượn làm lăng mộ, tổ chức đình đám, giỗ chạp cho người chết để "bằng xóm bằng làng", ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế, xã hội. Ở đây, tôi chỉ nêu lên vấn đề về việc cần có biện pháp quản lý, quy hoạch xây dựng lăng mộ tràn lan không được kiểm soát như hiện nay. Việc xây lăng mộ cho người thân là bình thường, pháp luật không cấm, nhưng cần thiết phải có biện pháp quản lý để tránh tình trạng xây dựng lộn xộn, mạnh ai nấy xây, xây chỗ nào tùy thích.
Nhiều người do trước đây an táng người thân gần nhà, gần đường giao thông, gần khu dân cư, tuy không phải là khu nghĩa trang, vùng chính quyền quy hoạch dành cho việc chôn cất, an táng, nhưng vẫn cứ để nguyên xây dựng lăng mộ, không cất bốc vào nơi quy hoạch hoặc nghĩa trang của địa phương. Có trường hợp tự ý chôn ở những nơi đất trống, đất vô chủ, dẫn đến việc sau này quy hoạch khu dân cư, làm các công trình công cộng hoặc đường sá phải tốn kém rất nhiều trong việc đền bù, giải tỏa, và có trường hợp còn xảy ra xô xát, tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân trong vấn đề cất bốc, di dời lăng mộ, làm ảnh hưởng lòng tin, tín ngưỡng của nhân dân và xảy ra tiêu cực khi kê khai đền bù.
Bạn đọc Phạm Văn Chung (Kon Tum): Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định cụ thể giúp chính quyền cơ sở có cơ sở pháp lý trong việc chấn chỉnh, thiết lập trật tự trong việc xây dựng lăng mộ lộn xộn như hiện nay. Biện pháp trước mắt, theo chúng tôi là, trước khi mai táng thân nhân, những người liên quan phải đăng ký khai tử và phải có giấy phép mai táng của chính quyền địa phương (cấp xã) mới được tiến hành mai táng, chôn cất. Làm như vậy không những góp phần làm tốt việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu mà còn làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi phải giải toả, cất bốc. Ðồng thời, thiết lập được trật tự trong việc quy hoạch xây dựng lăng mộ, bảo đảm mỹ quan, bảo đảm đúng quy hoạch trong quản lý và tiết kiệm đất đai. Bên cạnh đó, các địa phương cơ sở cần có quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang đáp ứng nhu cầu cất bốc và xây dựng lăng mộ của người dân.