Quyết giữ vững "thành trì" sản xuất ở Bắc Ninh

Quyết giữ vững "thành trì" sản xuất ở Bắc Ninh
Quyết giữ vững

Đợt dịch vừa qua đã tấn công vào Bắc Ninh – một “thành trì” sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, nơi có 12 khu công nghiệp và 330 nghìn công nhân, đe dọa làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những quyết sách táo bạo, quyết liệt, nhưng sáng tạo trong thời điểm muôn vàn khó khăn, để giữ vững chuỗi sản xuất an toàn. 

anh_PV-1624430121656.jpg

Phóng viên: Trong đợt dịch Covid -19 lần thứ tư, công tác khoanh vùng dập dịch được triển khai như thế nào tại các địa phương trên toàn tỉnh?

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, không phải địa phương đầu tiên có ca mắc nhưng Bắc Ninh là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Tám huyện, thị xã, thành phố đều ghi nhận ca nhiễm. Số ca nhiễm của nhiều địa phương tăng nhanh, trong đó Thuận Thành và thành phố Bắc Ninh ghi nhận số ca nhiễm cao nhất tỉnh. 

Từ trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dù Bắc Ninh chưa có ca mắc, song do phân tích và dự báo sớm tình hình, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời để tăng cường phòng, chống dịch trong tình hình mới với nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như: Nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; yêu cầu người dân ra ngoại tỉnh khi quay trở lại Bắc Ninh phải khai báo y tế… Trong dịp nghỉ lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi kiểm tra và xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến phòng, chống dịch tại nhiều địa phương, doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN).

Đến khi Bắc Ninh ghi nhận các ca lây nhiễm đầu tiên ngày 5-5 (đều liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2), sự chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh hết sức khẩn trương. Tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp, ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm chống dịch lây lan ra cộng đồng và các tỉnh bạn. Các khu dân cư liên quan đến ca nhiễm đầu tiên lập tức được cách ly y tế, đồng thời thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm cho toàn dân trong các thôn, khu phố, người liên quan.

Xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) trở thành tâm dịch lớn nhất cả tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các cấp, ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt việc khoanh vùng dập dịch được thực hiện triệt để. Từ ngày 7-5, xã Mão Điền thực hiện cách ly y tế. Ngày 9-5, tỉnh quyết định thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn huyện Thuận Thành. Khi dịch lan rộng đến các địa phương khác, tỉnh sớm chỉ đạo các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong đó thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong cùng với Thuận Thành thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; các địa phương: Lương Tài, Tiên Du và thị xã Từ Sơn thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng.

Thực hiện phương châm khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, tỉnh đã kịp thời ra các quyết định cách ly y tế đối với các địa bàn có dịch để chặn nguồn lây lan, bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân. 

Nhờ chủ động triển khai khoanh vùng kịp thời đã đưa lại kết quả tích cực giúp tỉnh chủ động kiểm soát được dịch bệnh, từ đó có biện pháp dập dịch hiệu quả. Đến nay, các huyện Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài, Gia Bình và thị xã Từ Sơn nhiều ngày đã không xuất hiện ca nhiễm mới. Số ca nhiễm tại Thuận Thành, Quế Võ chỉ còn rải rác trong khu phong tỏa và cách ly. Hiện tỉnh đang tập trung cao độ để dập dịch tại thành phố Bắc Ninh.

Quyết giữ vững

Phóng viên: “Đợt sóng” dịch bệnh lần thứ hai tại Bắc Ninh đã xâm nhập, tấn công vào khu công nghiệp và có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Công tác sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết diễn ra như thế nào trong các khu công nghiệp để doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa yên tâm sản xuất, thưa bà?

Bà Nguyễn Hương Giang: Tỉnh Bắc Ninh hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng 330.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước, vì thế công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Tại Bắc Ninh, dịch Covid-19 xâm nhập trước tiên vào cộng đồng với ổ dịch Mão Điền. Bắc Ninh lại giáp với Bắc Giang là địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch lớn tại các KCN. Trong khi đó, có tới hơn 30.000 công nhân, người lao động giao thoa giữa hai tỉnh là một bài toán khó khăn cho công tác phòng, chống dịch trong các KCN của tỉnh Bắc Ninh. Và trên thực tế, các KCN tại Bắc Ninh đã bị dịch Covid-19 tấn công. Tính đến hết ngày 18-6, đã có 599 ca mắc là công nhân tại 97 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. 

Công tác chống dịch ở Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn bởi Covid-19 đã tấn công cả hai “mặt trận” là cộng đồng và KCN. Khi dịch bệnh ở Thuận Thành từng bước được kiểm soát, thì điểm nóng KCN vẫn đang diễn biến khó lường. Công nhân các KCN làm việc trong môi trường kín, ở trọ xen lẫn trong khu dân cư với mật độ dày là thách thức lớn đối với công tác phòng, chống dịch. Chính vì thế, tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong các KCN để vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. 

Tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm truy vết tại doanh nghiệp trong các KCN một cách quyết liệt, triệt để đối với từng trường hợp nghi nhiễm, ở từng doanh nghiệp. Theo đó, các lực lượng nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, khi các doanh nghiệp ghi nhận các ca nhiễm, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly cho những công nhân liên quan, đồng thời phun khử khuẩn theo quy định…

Để thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá mức độ nguy cơ đối với từng doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới được tiến hành sản xuất và yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí giảm tối thiểu 50% người lao động trực tiếp sản xuất để bảo đảm giãn cách phòng nguy cơ lây nhiễm (trong thực tế đa phần các doanh nghiệp bố trí chỉ không quá 30%). Từ đó đưa công nhân vào lưu trú trong nhà máy vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy. Lao động trước khi vào nhà máy phải được xét nghiệm PCR kết quả âm tính và xét nghiệm lần 2 sau ba ngày làm việc, định kỳ hằng tuần xét nghiệm tối thiểu 20% người lao động tại doanh nghiệp. Tại nhà máy hay ở nơi lưu trú tập trung công ty sẽ phải thực hiện quy định quản lý như tại khu cách ly tập trung.

Đối với công nhân nghỉ luân phiên tại nhà trọ, phải thực hiện quy định quản lý như đối tượng F2. Địa phương phân công lực lượng Công an và Tổ Covid cộng đồng giám sát chặt chẽ đến từng nhà trọ. Đặc biệt, để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, nhất là thành phố Bắc Ninh trưng dụng tất cả các trường học trên địa bàn để làm chỗ ở tạm cho công nhân nhằm giãn cách cho các khu nhà trọ; quản lý chặt những công nhân ở lại các phòng trọ, ký túc xá công nhân. Trong quá trình triển khai, tỉnh thành lập 40 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch, kiên quyết tạm dừng sản xuất đối với tất cả các nhà máy không bảo đảm các yếu tố phòng, chống dịch đồng thời kịp thời cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại để bảo đảm sản xuất, kinh doanh. 

Cùng với đó, tỉnh triển khai công tác xét nghiệm diện rộng tại các địa phương có yếu tố dịch tễ phức tạp như Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh, Quế Võ và Yên Phong. Việc xét nghiệm được thực hiện chặt chẽ theo phương án: Những địa phương trên 14 ngày không có F0 thì chỉ lấy mẫu xét nghiệm 1 lần, nhưng dưới 7 ngày có ca mắc mới thì lấy ít nhất 3 lần. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ sàng lọc, đánh giá những địa phương trên 14 ngày không phát sinh ca mới, kết quả âm tính sẽ cho thực hiện Chỉ thị 15 hoặc 19. Những thôn có F0 chưa qua 14 ngày tiếp tục quản lý chặt và thực hiện tiếp các biện pháp sàng lọc. Việc xét nghiệm diện rộng cả ở ngoài cộng đồng và các khu công nghiệp sẽ giúp xử lý ổ dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất đồng thời tránh được tâm lý hoang mang, lo lắng vì dịch còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Bên cạnh đó kịp thời chuyển trạng thái giãn cách phù hợp để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân.

Quyết giữ vững

Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp với hơn 400 nghìn công nhân cả trong và ngoài khu công nghiệp. Nếu dừng sản xuất trong 14 ngày, tính riêng khu công nghiệp tập trung, giá trị sản xuất công nghiệp ở Bắc Ninh ước giảm 50.000 tỷ đồng. Kéo theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước giảm 0,5%; GRDP cả nước giảm 3,9%.

Phóng viên: Bắc Ninh là tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, nếu không kịp thời có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, đúng hướng thì sẽ để lại hậu quả khó lường. Xin bà cho biết các giải pháp của tỉnh trong hiện tại cũng như tầm nhìn tương lai để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa bảo vệ chắc chắn “thành trì” sản xuất?

Bà Nguyễn Hương Giang: Bắc Ninh hiện đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, vì thế, nếu dịch bùng phát trong các khu, cụm công nghiệp sẽ dẫn đến đóng cửa khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chuỗi sản xuất sẽ bị đứt gãy, ảnh hưởng đến nền công nghiệp cả nước. Chính vì thế, tỉnh luôn xác định phải thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe nhân dân, vừa sản xuất để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị phải làm, bởi nếu ngưng sản xuất, không chỉ làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất mà còn tác động xấu đến nền kinh tế đất nước.

Tỉnh đã thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt, sáng tạo, có tính đột phá để vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất và nhất là để chặn dịch từ cộng đồng vào các khu công nghiệp và ngược lại từ khu công nghiệp ra cộng đồng. Hiện nay, tình hình dịch ở Bắc Ninh đã cơ bản được khống chế song nguy cơ bùng phát vẫn còn. Vì vậy, các biện pháp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch của tỉnh sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. 

Trong đó, trọng tâm là xây dựng kế hoạch với các giải pháp phù hợp để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là việc gia hạn nộp thuế. Tạo mọi điều kiện ổn định đưa người lao động sớm trở lại làm việc để khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động vì nhiều lý do như: phải cách ly; ở trong khu vực bị phong tỏa hoặc do các địa phương kiểm soát công dân đến làm việc tại vùng có dịch. Hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các phương án sản xuất trong điều kiện dịch bệnh lây lan, giảm tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sản xuất. Duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành kiểm tra doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch, kiên quyết tạm dừng sản xuất đối với các nhà máy không bảo đảm các yếu tố phòng, chống dịch.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, yêu cầu doanh nghiệp thiết lập QR code ở nhiều nơi trong nhà máy, cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại, thực hiện khai báo y tế và cung cấp thông tin của của toàn thể công nhân cho các cơ quan chức năng. Triển khai tiêm vaccine, trong đó ưu tiên tiêm trước cho công nhân.

Từ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo cho nên mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát và đang diễn biến vô cùng phức tạp song kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sáu tháng đầu năm 2021 (giá so sánh năm 2010) tăng 7,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng 7,5%; dư nợ tín dụng tăng 20,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,1%. 

Quyết giữ vững

Trong một thời gian ngắn Bắc Ninh hứng chịu tác động bởi hai "đợt sóng" lây nhiễm đan xen phức tạp. Bắc Ninh đã không chọn giải pháp "đóng băng" để chống dịch, mà chọn giải pháp vừa chống dịch vừa bảo vệ thành trì sản xuất.

Phóng viên: Trong tình hình dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn còn nhưng tỉnh Bắc Ninh vẫn đưa ra mục tiêu trong khoảng 10 đến 15 ngày tới sẽ cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh. Bà có thể cho biết tỉnh đã có những giải pháp gì mang tính đột phá để quyết tâm khoanh vùng, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Hương Giang: Hiện nay, ở nhiều địa phương dịch bệnh đã được kiểm soát. Chúng tôi đang tập trung các lực lượng xử lý các ổ dịch trên địa bàn thành phố Bắc Ninh để cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất. Một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh đang thực hiện là triển khai quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách, thực hiện nghiêm ngặt việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan; kết hợp với việc truy vết thần tốc, nâng cao năng lực xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm diện rộng, đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng, từng bước sàng lọc, làm sạch ổ dịch, giải phóng khu vực phong tỏa.

Quyết giữ vững

Xác định mức độ nguy cơ của từng khu vực để triển khai phương án cho công nhân làm việc, sinh hoạt tại nhà máy theo đợt; bảo đảm các điều kiện để công nhân có thể ăn, ở, sinh hoạt tại nhà máy, bảo đảm an toàn sản xuất; bắt buộc công nhân trước khi vào nhà máy đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Song song với các biện pháp trên, Bắc Ninh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch của Bắc Ninh. 

Với sự quan tâm chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, của các tỉnh, thành phố và nhiều tập thể, cá nhân trong nước, cùng sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tôi tin tưởng Bắc Ninh sẽ triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, đồng thời luôn chủ động sẵn sàng các giải pháp tích cực, hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình dịch nhằm nỗ lực, quyết tâm đẩy lùi hoàn toàn dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Bắc Ninh là một trong những tỉnh động lực, là trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ giảm ít nhất 3.600 tỷ đồng tương đương khoảng 0,2% GRDP.

Quyết giữ vững "thành trì" sản xuất ở Bắc Ninh ảnh 7

Ngày xuất bản: 22-6-2021

Thực hiện: THÁI SƠN

Ảnh, đồ họa: DUY LONG