Nhà khoa học người Anh "cha đẻ" của cừu Dolly qua đời ở tuổi 79

NDO - Ngày 11/9, Đại học Edinburgh, Scotland thông báo, nhà khoa học người Anh Ian Wilmut, người có nghiên cứu đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra động vật nhân bản, cừu Dolly, đã qua đời ở tuổi 79.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Ian Wilmut và Dolly, con cừu nhân bản đầu tiên trên thế giới, tại Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh năm 2002. Ảnh: Getty Images.
Tiến sĩ Ian Wilmut và Dolly, con cừu nhân bản đầu tiên trên thế giới, tại Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh năm 2002. Ảnh: Getty Images.

Đại học Edinburgh, nơi ông từng làm việc cho biết, ông qua đời ngày 10/9 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson trong nhiều năm.

Năm 1996, Tiến sĩ Wilmut, cùng Giáo sư Keith Campbell, Viện Nghiên cứu khoa học động vật ở Scotland đã tạo ra cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được nhân bản từ tế bào trưởng thành, làm chấn động và dấy lên các cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề đạo đức trên toàn thế giới.

Nhà khoa học người Anh "cha đẻ" của cừu Dolly qua đời ở tuổi 79 ảnh 1

Tiến sĩ Ian Wilmut, cha đẻ của cừu Dolly nhân bản vô tính. Ảnh: Reuters.

Trong một tuyên bố, trường Đại học Edinburgh cho biết: "Ông ấy đã dẫn đầu những nỗ lực phát triển các kỹ thuật nhân bản hoặc chuyển giao hạt nhân có thể được sử dụng để tạo ra những con cừu biến đổi gene. Chính những nỗ lực này đã dẫn đến sự ra đời của hai con cừu Megan và Morag vào năm 1995 và cừu Dolly vào năm 1996".

Cừu Dolly, được đặt theo tên ca sĩ nhạc đồng quê Dolly Parton, là động vật có vú đầu tiên được nhân bản từ tế bào trưởng thành, sử dụng quy trình gọi là chuyển nhân tế bào soma (SCNT).

Nhà khoa học người Anh "cha đẻ" của cừu Dolly qua đời ở tuổi 79 ảnh 2

Động vật nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới, cừu Dolly, trong một buổi chụp ảnh tại Viện Roslin, Đại học Edinburgh, Scotland ngày 4/1/2002. Ảnh: Reuters.

Điều này liên quan đến việc lấy một quả trứng cừu, loại bỏ DNA của nó và thay thế bằng DNA từ tế bào bầu vú đông lạnh của một con cừu đã chết nhiều năm trước. Quả trứng sau đó được kích hoạt bằng điện để phát triển như một phôi thai đã được thụ tinh mà không cần đến tinh trùng.

Việc tạo ra cừu nhân bản Dolly đã làm dấy lên lo ngại về việc nhân bản vô tính người, tạo ra các bản sao di truyền của người sống hoặc người chết, nhưng giới khoa học chính thống đã cấm điều này vì cho rằng quá nguy hiểm.

Nhà khoa học người Anh "cha đẻ" của cừu Dolly qua đời ở tuổi 79 ảnh 3

Tiến sĩ Ian Wilmut, Viện Roslin, Đại học Edinburgh trả lời các câu hỏi của giới truyền thông thế giới về khám phá đột phá về Dolly, con cừu nhân bản đầu tiên trên thế giới từ ống nghiệm ngày 25/2/1996. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Wilmut sinh ra gần Stratford-upon-Avon, theo học tại Đại học Nottingham, ban đầu học về nông nghiệp, trước khi chuyển sang khoa học động vật.

Ông chuyển đến Đại học Edinburgh vào năm 2005, được phong tước hiệp sĩ vào năm 2008 và nghỉ hưu vào năm 2012.