Nhà khoa học đầu ngành về nhân bản vô tính của Việt Nam

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng sinh ngày 15-1-1942 tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, với trí thông minh, lại được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình và vùng đất Kinh Bắc, ông đã là một học sinh giỏi trong các trường tiểu học, trung học ở quê hương.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông được Nhà nước cử đi học đại học ở Liên Xô (cũ). Năm 1967, ông nhận bằng cử nhân sinh học loại xuất sắc tại Trường đại học Lô-mô-nô-xốp ở Mát-xcơ-va. Ðến năm 1978, cũng chính tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia nổi tiếng này, ông nhận tấm bằng tiến sĩ sinh học, với một công trình có giá trị như một sự mở đầu cho lĩnh vực nhân giống vô tính ở động vật. Công trình đã được đăng trên tạp chí sinh học phát triển Xô-viết số 1-1978, báo Công nghiệp xã hội chủ nghĩa của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Liên Xô (ngày 24-12-1978). Sau đó, công trình của một tập thể tác giả, trong đó có ông, về lĩnh vực này, đã được đăng tải trên Tạp chí nổi tiếng Thế giới - Tạp chí Nature gây tiếng vang trong giới sinh học lúc bấy giờ.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, ông về nước làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam và từ năm 1971, GS Nguyễn Mộng Hùng giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Sinh học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học KHTN - Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho đến nay. Hơn 40 năm giảng dạy đại học, những bài giảng đầy tâm huyết cùng với nội dung khoa học chính xác, hiện đại, lý thú về sinh học phát triển, mô học, phôi học, tế bào học, công nghệ phôi sinh học, GS, TS Nguyễn Mộng Hùng đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi cho đất nước.

Cũng với hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, GS, TS Nguyễn Mộng Hùng đã chủ trì bảy đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp trường. Tiếp tục nghiên cứu theo hướng đề tài luận án tiến sĩ, ông đã có 26 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và thế giới về lĩnh vực sinh sản vô tính động vật, mẫu sinh ở cá, biệt hóa và điều khiển giới tính ở tôm. Trong những năm gần đây, ông đã làm Chủ nhiệm một đề tài cấp Nhà nước rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của đất nước - Công nghệ tế bào gốc. Ðó chính là đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc vật nuôi phục vụ phát triển công nghệ sinh học trong chăn nuôi thú y. Ðề tài đã thu được những thành công lớn, được báo Khoa học và Ðời sống bình chọn là một trong 10 sự kiện Khoa học - Công nghệ nổi bật trong năm 2005 của Việt Nam. Thành công này chính là tiền đề để Nhà nước tiếp tục giao cho giáo sư chủ trì đề tài về nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển gen tiến tới tạo động vật sản xuất protein dược liệu. Về lĩnh vực nghiên cứu này, phải nói rằng, ông là giáo sư đầu ngành.

Cùng với các công trình nghiên cứu có giá trị, ông còn chủ biên, cộng tác viết và dịch 10 cuốn sách phục vụ cho việc học tập, tham khảo ở bậc đại học, sau đại học và trung học phổ thông. Ðồng thời trong những năm qua, ông còn đóng góp nhiều công sức và trí tuệ vào việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo sư đã nhiều lần dẫn đoàn cán bộ và học sinh Việt Nam đi thi Ô-lim-pích Sinh học quốc tế và giành được nhiều huy chương.

Với GS Nguyễn Mộng Hùng, hơn 40 năm công tác là hơn 40 năm rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng, học tập và cống hiến. Ông luôn hoàn thành tốt với tinh thần trách nhiệm cao những nhiệm vụ của mình - nhiệm vụ giảng viên cao cấp của một trường đại học cấp quốc gia.

Làm việc và cống hiến sức lực, trí tuệ của mình, ông luôn là một giảng viên dạy giỏi, đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý về nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Mặc dù đã về hưu, ông vẫn đến trường, đến viện làm việc để hoàn thành nốt công trình nghiên cứu của mình. Ông vẫn là Ủy viên Hội đồng KH-ÐT Khoa Sinh học, Ủy viên Hội đồng KH - ÐT Ðại học Quốc gia ngành Sinh học, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Sinh học. Một người tận tâm, tận lực với hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, sống trung thành, nghĩa cử với bạn bè đồng nghiệp đã ra đi, để lại lòng tiếc thương vô hạn cho những ai đã từng sống và làm việc cùng ông.