Dùng tế bào gốc nhân bản vô tính chữa bệnh Parkinson

Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên số ra ngày 23-3.

Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm ung thư tưởng niệm Sloan- Kettering ở New York cho biết đây là lần đầu tiên họ thành công trong việc dùng các tế bào nhân bản vô tính để chữa bệnh Parkinson trên động vật.

Các chuyên gia Anh cho rằng đây một tiến bộ thú vị và đầy hứa hẹn.

Không bị đào thải

Ở những người bị mắc bệnh Parkinson, các tế bào thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ hoặc là bị chết hoặc đã bị hư hỏng.

Thông thường, những tế bào này tạo ra một hóa chất có tên là dopamine, giúp phối hợp chức năng của các cơ bắp trong cơ thể và tạo ra các chuyển động. Ở bệnh nhân Parkinson, vì thiếu dopamine nên các cơ không được điều khiển đúng chức năng gây nên sự liệt rung.

Trong liệu pháp nhân bản vô tính, các nhà khoa học lấy nhân của tế bào đưa vào trong trứng đã được bỏ nhân. Các tế bào này sau đó phát triển thành một dạng phôi và người ta có thể thu được các tế bào gốc dùng để điều trị bệnh.

Trong công trình nghiên cứu, các tế bào gốc được phát triển thành các nơ- ron chuyên sản xuất dopamine - các tế bào thần kinh bị thiếu hụt ở những người bị bệnh Parkinson.

Những con chuột được cấy các nơ-ron có nguồn gốc từ chính các tế bào nhân bản vô tính của chúng có dấu hiệu hồi phục rõ rệt.

Tuy nhiên, khi  những nơ-ron này được ghép vào những con chuột khác (không hợp về mặt di truyền với các tế bào cấy ghép), các tế bào không sống được và bệnh không được cải thiện.

Các nhà khoa học cho rằng, phương pháp điều trị này rất có triển vọng bởi vì, khi các tế bào được lấy từ chính con vật bị bệnh, chúng không bị hệ thống miễn dịch của cơ thể đào thải.

Hy vọng lớn 

 
Hình ảnh chụp não một bệnh nhân Parkinson.

Các nhà khoa học đang tìm cách dùng tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson bởi vì chúng có thể thay thế các tế bào thần kinh sản xuất dopamine bằng các tế bào mới, khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp khôi phục hệ thống cung cấp dopamine cho não, giúp não hoạt động bình thường trở lại.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là phải làm cho các tế bào thần kinh sống được sau khi cấy ghép.

Tiến sĩ Kieran Breen, giám đốc nghiên cứu và phát triển Hội bệnh Parkinson nói: Tiến bộ đạt được thật tuyệt. Lần đầu tiên chúng ta có thể tạo tế bào gốc của một người và dùng để chữa bệnh Parkinson. Các nhà nghiên cứu cần tiến hành thêm các nghiên cứu để ứng dụng phương pháp mới điều trị căn bệnh trên người.

Giáo sư Robin Lovell-Badge, một chuyên gia nghiên cứu về tế bào gốc tại Viện nghiên cứu Y khoa Mỹ nói, kết quả của nghiên cứu này rất có ý nghĩa, chứng tỏ tầm quan trọng cũng như ích lợi của liệu pháp tế bào gốc.

Nhưng ông nói: Các nhà nghiên cứu mới chỉ theo dõi các con chuột trong vòng 11 tuần sau khi cấy ghép tế bào. Quãng thời gian này chưa đủ dài để có thể biết được những tác động, hậu quả mà phương pháp điều trị có thể mang lại.

Nhiều chuyên gia cũng nói cần phải có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn ở cả người và động vật trước khi áp dụng rộng rãi phương pháp điều trị này trên người.

Trong một nghiên cứu độc lập khác, một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học Luân Đôn đã tìm ra sự biến đổi trong một gene có thể gây nên bệnh Parkinson ở những người có tiền sử bệnh gia đình.

Phát hiện trên có thể giúp các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân gây bệnh Parkinson, từ đó có hướng nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều trị mới.