Theo Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi, điểm sạt trượt xảy ra tại Km101 trên đèo Bảo Lộc, địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai.
Theo ghi nhận, tại đây có nhiều tảng đá lớn phía vách núi, thuộc ta-luy dương đèo Bảo Lộc bị sạt trượt xuống cạnh đường đèo. Phía trên đỉnh ta-luy dương xuất hiện tình trạng xói mòn do mưa lớn gây ra; nhiều tảng đá lớn có nguy cơ cao xảy ra sạt trượt, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài.
Mưa lớn những ngày qua gây ra vụ sạt trượt khiến nhiều tảng đá rơi xuống mương thoát nước trên đèo Bảo Lộc. |
Trước thực trạng trên, Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi đã thông báo vụ sạt trượt đến đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hạ tầng giao thông trên đèo Bảo Lộc là Khu quản lý đường bộ IV.1, để có phương án xử lý, khắc phục.
Dự kiến, ngày 30/8, Khu quản lý đường bộ IV.1 tiến hành kiểm tra, xử lý điểm sạt trượt trên để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đèo Bảo Lộc.
Lâm Đồng: Tiếp tục xảy ra sạt lở đất, bước đầu có 2 người thương vong
Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10km, thuộc quốc lộ 20 là tuyến huyết mạch nối Đà Lạt (Lâm Đồng) với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Cùng với mặt đường nhỏ, nhiều khúc cua gắt, đèo Bảo Lộc cũng có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa hằng năm.
Khu vực sạt lở đất nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc vào tháng 7/2023. |
Tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm triển khai đầu tư, xử lý các điểm sạt lở trên Quốc lộ 20 và đèo Bảo Lộc nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trong mùa mưa năm 2024.
Hiện tại, đơn vị chức năng thuộc Cục Quản lý Đường bộ Việt Nam cũng đang tiến hành khoan thăm dò địa chất để có phương án xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trên đèo Bảo Lộc.