Nguy cơ mất an ninh lương thực vẫn chực chờ

Mối đe dọa từ dịch bệnh tạm lắng, song an ninh lương thực thế giới tiếp tục đối mặt một loạt thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu gây hạn hán, lũ lụt, cho đến xung đột địa chính trị kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng. Bất ổn an ninh lương thực vẫn chực chờ, nhất là ở nhóm những người nghèo nhất thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trên thế giới hiện có khoảng 828 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và con số này không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2021, khoảng 2,3 tỷ người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng. Số người không đủ khả năng tiếp cận một chế độ ăn uống lành mạnh lên tới 3,1 tỷ, tương đương khoảng 40% dân số thế giới.

Nhiều quốc gia không thể tiếp tục sản xuất lương thực như trước đây do khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên, dân số ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt. Nhóm dễ bị tổn thương nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nguy cơ mất an ninh lương thực. Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Yemen… đang trong tình trạng báo động cao về mất an ninh lương thực. Theo báo cáo của gần 200 nhóm cứu trợ được công bố hồi tháng 9, trên toàn thế giới, ước tính cứ 4 giây lại có 1 người chết vì đói, trong khi 345 triệu người đang trong tình trạng đói nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu vẫn được đánh giá là rủi ro lớn nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu khi lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang gây thiệt hại cho mùa màng ở khắp các châu lục. Tại Pakistan, đợt mưa lũ nặng nề vừa qua đã nhấn chìm tới một phần ba diện tích đất nước, phá hủy cơ sở hạ tầng, cuốn trôi đất trồng trọt và cây cối của người dân. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả trước khi đợt lũ lụt lịch sử xảy ra, khoảng 38 triệu người Pakistan, chiếm hơn 16% dân số, đã sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Trong khi đó, Ethiopia, Somalia và Kenya bước vào mùa khô hạn thứ 5 liên tiếp, đe dọa gây ra nạn đói trên diện rộng.

Bạo lực, xung đột vũ trang khiến mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực tại những khu vực dễ bị tổn thương càng trở nên mong manh. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết, xung đột triền miên khiến khoảng 13,6 triệu người ở miền Bắc Ethiopia rất cần được hỗ trợ lương thực. Xung đột bùng phát trở lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng các hoạt động nhân đạo tại khu vực này. Ở “điểm nóng” Tigray, WFP chỉ có thể tiếp cận được khoảng 10% số bà mẹ và trẻ em cần hỗ trợ dinh dưỡng.

Xung đột bùng phát giữa hai nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới là Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực. Liên hợp quốc đang nỗ lực kêu gọi các bên gia hạn và tiếp tục thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen, góp phần loại bỏ các trở ngại đối với việc vận chuyển ngũ cốc đến những nước đang vật lộn với khủng hoảng lương thực và nạn đói. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khoảng 82 triệu người tại khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi có nguy cơ mất an ninh lương thực. Cuộc xung đột tại Ukraine nếu không lắng dịu, có thể góp phần khiến số người đối mặt nạn đói tại đây lên tới 123 triệu người vào cuối năm 2022.

Lãi suất toàn cầu tăng nhanh tựa như “cú đánh bồi” nhắm vào hệ thống an ninh lương thực. Lãi suất tăng cao đồng nghĩa việc các quốc gia nợ nhiều nhất ở phía nam sa mạc Sahara không thể tiếp cận các thị trường vốn quốc tế. IMF ước tính, giá nhập khẩu lương thực và phân bón tăng cao sẽ khiến các nước phải chi thêm 9 tỷ USD trong năm 2022 và 2023, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối cũng như ảnh hưởng khả năng thanh toán chi phí nhập khẩu lương thực của nhiều quốc gia.

Những thách thức toàn cầu luôn cần giải pháp ở quy mô toàn cầu. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và điều phối tốt hơn nhằm bảo đảm hiệu quả tối đa của các nguồn lực. Bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng giúp giảm đói nghèo, nâng cao đời sống người dân, hướng tới tương lai bền vững và bao trùm.