Xu thế thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 ngày càng lan rộng trên khắp thế giới khi các quốc gia nỗ lực đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Ðại dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhờ những bước tiến đột phá trong công tác nghiên cứu, phát triển vaccine cùng chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Tuy nhiên, những ngày qua, ở nhiều khu vực trên thế giới lại chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19.
Nước Ðức mới đây ghi nhận gần 114.200 ca nhiễm mới trong ngày và tỷ lệ mắc bệnh trong bảy ngày có chiều hướng liên tục tăng lên. Bộ Y tế liên bang Ðức cảnh báo, có thể số ca nhiễm thực tế cao gấp ba lần so với con số được công bố. Mỹ mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca tử vong do Covid-19.
Tại Canada, tính đến ngày 3/10, nước này có 5.070 ca mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị, cao hơn gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái. Singapore dự báo sẽ đối mặt làn sóng dịch Covid-19 mới với bình quân 15.000 ca nhiễm mỗi ngày vào giữa tháng 11 tới...
Thực tế nêu trên đã gióng lên lời nhắc nhở toàn thế giới rằng, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc; vi-rút SARS-CoV-2 đang tồn tại, không ngừng biến đổi và đe dọa gây ra những đợt bùng phát mới vào bất kỳ thời điểm nào. Mới đây, giới chức y tế Ấn Ðộ cảnh báo về mối đe dọa từ biến thể Omicron BF.7 khi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước nhiễm biến thể này.
Ngành y tế Singapore cũng đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể phụ XBB, còn được biết đến là BA.2.10, tới hệ thống y tế quốc gia.
Sau khi nhiều quốc gia gỡ bỏ biện pháp phòng dịch, hoạt động tiếp xúc xã hội gần như được khôi phục trở lại mức trước đại dịch và đây chính là yếu tố khiến dịch bệnh dễ lây lan. Ðáng nói là, tốc độ tiêm chủng đang chững lại ở một số quốc gia. Số liều vắc-xin được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9/2022 ở Liên minh châu Âu (EU) chỉ khoảng 1-1,4 triệu liều, trong khi số liệu được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái là từ 6 triệu đến 10 triệu liều/tuần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Trong đó phải kể đến việc một bộ phận người dân cho rằng việc tiêm các liều cơ bản và sau đó mắc Covid-19 là đã tạo ra miễn dịch cho nên không tiếp tục tiêm liều tăng cường.
Ngoài ra, giới chức EU gần đây phê duyệt nhiều loại vắc-xin tăng cường mới nhằm chống các dòng phụ phát sinh từ biến thể Omicron; điều này có thể khiến người dân mất nhiều thời gian hơn để cân nhắc, chọn lựa loại vaccine cho liều tăng cường. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với chiến dịch tiêm chủng là do người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã kết thúc hoàn toàn cho nên có tâm lý chủ quan.
Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, cùng sự gia tăng của các ca mắc cúm mùa vào mùa đông, có thể đẩy hệ thống y tế nhiều nước vào khó khăn. Ngành y tế của Anh, Canada... hiện đang vật lộn với bài toán thiếu hụt nhân lực. Một số khoa cấp cứu tại các bệnh viện ở Canada đã phải đóng cửa vào mùa hè vừa qua do thiếu nhân lực.
Hội chứng Covid kéo dài với các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, sương mù não khiến nhiều người lao động từng mắc Covid-19 không thể quay trở lại với công việc, dẫn tới lỗ hổng về nhân lực.
Tâm lý lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân cùng các yếu tố như mùa đông lạnh giá đang đến gần, các biện pháp phòng dịch được nới lỏng là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 có thể lây lan mạnh. Khi bóng ma Covid-19 vẫn còn lởn vởn, các quốc gia cần thúc đẩy kế hoạch ứng phó các đợt bùng phát mới, đồng thời sẵn sàng ứng phó bất kỳ đại dịch nào khác xuất hiện trong tương lai.