Số liệu từ trang thống kê worldometers.info cho thấy diễn biến dịch Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực trong 7 ngày qua, với số ca mắc mới tính đến sáng 18/4 giảm 27% so với tuần trước đó. Tương tự, số ca tử vong trong tuần qua giảm 26%, ghi nhận 17.688 ca không qua khỏi.
Điểm đáng chú ý trong tuần qua là số ca mắc mới hàng ngày toàn cầu đã giảm xuống 703.222 ca hôm thứ sáu, mức thấp nhất kể từ 584.081 ca ghi nhận ngày 10/12 năm ngoái trước khi biến thể Omicron lây lan mạnh.
Trong khi đó, số ca tử vong hàng ngày toàn cầu cũng giảm xuống 2.142 ca trong ngày chủ nhật, mức thấp nhất kể từ 2.088 ca ghi nhận ở thời điểm đầu của đại dịch vào ngày 23/3/2020.
Xét về khu vực, số ca mắc mới đều giảm, trong đó Nam Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất với 33% (tổng 135.992 ca trong tuần), tiếp theo là châu Á giảm 29% (trên 1,8 triệu ca), châu Âu 27% (hơn 2,6 triệu ca), Bắc Mỹ 26% (288.878 ca), châu Đại Dương 18% (383.421 ca) và châu Phi giảm 7% (26.248 ca).
Về số ca tử vong, châu Phi ghi nhận mức giảm mạnh nhất 56% trong tuần qua, với chỉ 109 ca không qua khỏi, tiếp theo là Bắc Mỹ giảm 40% với 2.782 ca, Nam Mỹ 29% với 1.265 ca, châu Á 27% với 4.506 ca, châu Âu giảm 20% với 8.698, và chỉ duy nhất châu Đại Dương chứng kiến mức tăng 8% về số ca tử vong trong tuần, với 328 ca.
Theo số liệu từ Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi, châu lục này đang duy trì đà giảm số ca nhiễm Covid-19 trong 16 tuần qua, trong khi số ca tử vong cũng giảm trong 8 tuần liên tiếp.
Trong làn sóng lây nhiễm thứ tư do Omicron gây ra, các ca nhiễm ở châu Phi đã giảm từ mức đỉnh hơn 308 nghìn ca hàng tuần vào đầu năm nay xuống dưới 20 nghìn ca trong tuần kết thúc vào ngày 10/4. Đây là mức lây nhiễm thấp nhất kể từ tháng 4/2020 trong giai đoạn đầu của đại dịch ở châu Phi.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi vẫn khuyến cáo các nước trong khu vực đề cao cảnh giác trước Covid-19. “Mặc dù tỷ lệ nhiễm đang giảm, nhưng điều quan trọng là các quốc gia phải cảnh giác và duy trì các biện pháp giám sát, bao gồm giải trình tự gene để phát hiện nhanh chóng các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành, tăng cường xét nghiệm và mở rộng quy mô tiêm chủng”, bà Moeti nói, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát đại dịch là then chốt để đối phó hiệu quả với sự gia tăng các ca bệnh.
Ba quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc mới trong tuần qua là Hàn Quốc, Pháp và Đức đều ghi nhận mức giảm giảm lần lượt 33%, 13% và 27%. Đáng chú ý, Hàn Quốc ngày 17/4 báo cáo 93 nghìn ca mắc mới, đánh dấu số ca bệnh hàng ngày lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 100 nghìn ca kể từ ngày 22/2. Đỉnh điểm số ca mắc mới trong làn sóng dịch do biến chủng Omicron gây ra tại Hàn Quốc là 621.178 ca ghi nhận ngày 17/3.
Trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu, cơ quan y tế Hàn Quốc cuối tuần trước đã công bố kế hoạch dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế phòng dịch từ đầu tuần này, bao gồm không giới hạn về giờ mở cửa của các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, cũng như không giới hạn số lượng khách tham dự các đám cưới và các cuộc nhóm họp riêng. Ngoài ra, chính phủ cũng lên kế hoạch xem xét dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời sau 2 tuần.
Ở chiều hướng ngược lại, diễn biến dịch tại Trung Quốc vẫn phức tạp. Ngày 17/4, Trung Quốc thông báo ghi nhận 3.896 ca mắc mới có triệu chứng, tập trung chủ yếu ở thành phố Thượng Hải, nơi đang trong lệnh phong tỏa để chặn đà lây lan của biến thể Omicron.
Đáng chú ý, Thượng Hải vừa ghi nhận 3 ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 trong đợt bùng phát mới nhất. Thành phố 25 triệu dân này có 19.831 ca mắc mới không triệu chứng trong ngày 17/4, giảm từ mức 21.582 ca ghi nhận 1 ngày trước đó. Chính quyền thành phố đã thực hiện hơn 20 triệu xét nghiệm acid nucleic kể từ ngày 10/3, nhằm ngăn chặn đợt bùng phát nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc kể từ đầu đại dịch.
Trong tuần qua, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 500 triệu ca vào ngày 12/4. Tính từ những trường hợp đầu tiên được biết tới cuối năm 2019, hơn 1 năm sau, thế giới ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 vượt 100 triệu ca vào ngày 26/1/2021, hơn 6 tháng sau, ngày 4/8/2021, con số này là 200 triệu rồi nhanh chóng cán mốc 300 triệu ca vào ngày 6/1/2022 và vượt 400 triệu ca chỉ sau đó 1 tháng vào ngày 8/2/2022.
Về tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 toàn cầu, theo thống kê từ Bloomberg, gần 100 triệu liều đã được tiêm trong tuần qua, nâng tổng số liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới lên hơn 11,4 tỷ liều