Người lao động thêm điểm tựa khi đi làm việc ngoài nước

Ra đời với mục đích phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp cũng như bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người lao động Việt Nam yên tâm làm việc xa quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam lên đường sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh minh họa: Vietnamplus)
Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam lên đường sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh minh họa: Vietnamplus)

Hỗ trợ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thời gian gần đây, mỗi năm, Việt Nam có hơn 100 nghìn lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã Hội) cho thấy, trong thời gian từ năm 2013 đến 2021, gần 1 triệu lao động lao động Việt Nam đã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trong hơn 30 nhóm ngành, nghề.

Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, Quỹ sẽ hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ sẽ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp.

Làm việc ở nước ngoài trong môi trường có những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, trình độ vừa là cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro cho người lao động. Chính vì vậy, sự hỗ trợ dành cho người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng được áp dụng theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được xem là điểm tựa “3 trong 1”: Kinh tế - Pháp lý - Tuyên truyền.

Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, Quỹ sẽ hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ sẽ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp.

Trong trường hợp người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác.

Các trường hợp hỗ trợ người lao động cũng tính đến trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Với hai trường hợp này, mức hỗ trợ theo quy định sẽ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp.

Người lao động thêm điểm tựa khi đi làm việc ngoài nước ảnh 1

Tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm cho lao động theo chương trình EPS của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 11/2022. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Không chỉ giải quyết khó khăn khi sinh sống và làm việc tại nước ngoài, Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg cũng dành quy định hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động phải về nước trước hạn theo những trường hợp nêu trên.

Cụ thể, người lao động có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.

Hỗ trợ tranh chấp phát sinh

Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg cũng quy định một trong những chính sách sẽ giúp người lao động yên tâm khi tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đó là việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, tại Điều 13 của Quyết định số 40, hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc: Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50 triệu đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc.

Bên cạnh đó, người lao động còn nhận mức hỗ trợ 100% chi phí thực tế khi thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở. Để có thể được thanh toán, người lao động cần có hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở đầy đủ.

Điều 14 của Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg cũng quy định hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài cũng được nhận hỗ trợ, với mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/trường hợp.

Với trường hợp này, đại diện thân nhân của người lao động (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh/chị/em ruột) hoặc người được thân nhân của người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của thân nhân của người lao động gửi giấy đề nghị hỗ trợ rủi ro kèm theo 1 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi tới cơ quan điều hành Quỹ.

Với các hoạt động hỗ trợ người lao động, cơ quan này còn tham gia hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước. Trong đó, có việc tổ chức thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước, chính sách, quy định, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ từ Quỹ cho người lao động, thân nhân của người lao động.