Người lao động mong nhà ở xã hội, chỗ làm ổn định để vượt qua “cơn bão” khó khăn

NDO - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã đề đạt, kiến nghị với chính quyền và các sở, ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh những khó khăn, trở ngại liên quan nhà ở xã hội, môi trường sống và làm việc của người lao động, giải quyết việc làm trong tình hình khủng hoảng kinh tế ... tại Chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 10/5.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.

Chương trình có lãnh đạo, công đoàn cơ sở của 102 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố có đông công nhân lao động tham dự. Cùng dự Chương trình có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Phạm Chí Tâm nhấn mạnh, từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp còn gặp không ít những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có lúc phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, giảm giờ làm, cắt giảm lao động,... Song các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập; có những chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống. Do đó, Chương trình được tổ chức để lãnh đạo chính quyền, Công đoàn Thành phố gặp gỡ và lắng nghe những tâm tư, tình cảm, chia sẻ, ý kiến góp ý của doanh nghiệp về hoạt động công đoàn, qua đó mong mỏi lãnh đạo chính quyền Thành phố tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển và đóng góp cho tăng trưởng của thành phố.

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến nêu vấn đề, hiện công ty có 500 người lao động, trong số đó có 30% có nhu cầu muốn mua nhà ở xã hội nhưng họ rất khó tiếp cận. Trong khi đó hầu hết người lao động tại công ty có thời gian làm việc từ 15 đến 20 năm nên họ tha thiết có một “mái ấm” thực sự là căn nhà của mình để gắn bó, làm việc lâu dài tại thành phố. Như vậy, điều mà người lao động mong mỏi cũng như lãnh đạo công ty trăn trở là làm sao để người lao động có thể tiếp cận hoặc xin, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án mà thành phố đã và đang đầu tư xây dựng?

Người lao động mong nhà ở xã hội, chỗ làm ổn định để vượt qua “cơn bão” khó khăn ảnh 1

Lãnh đạo các doanh nghiệp nêu ra nhiều vấn đề mà người lao động mong mỏi trong thời kỳ khó khăn về kinh tế.

Quan tâm đến làn sóng công nhân lao động rời bỏ thành phố về quê lập nghiệp, làm ăn, bà Phùng Thị Minh nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên cho hay, hiện Công ty thiếu lực lượng lao động từ 5-7%, số lao động thiếu hụt một phần do máy móc thay thế con người theo xu hướng đổi mới, một phần do làn sóng người lao động trở về quê vì tác động khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.

Từ thực tế này cho thấy, xu hướng người lao động làm ngày nào ăn ngày nấy, không có tâm lý tích lũy như trước. Như vậy, thực tế các doanh nghiệp đang mất đi lực lượng lao động có tay nghề và có thâm niên cho thấy việc dịch chuyển nguồn lực lao động đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đồng thời vấn đề chất lượng sống của người lao động, chế độ đãi ngộ cần được chính quyền thành phố quan tâm có chính sách chăm lo phù hợp…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, HUBA nhận thức rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động không chỉ là vấn đề riêng của từng bên mà còn là yếu tố quan trọng xây dựng một cộng đồng kinh doanh phát triển bền vững. Trong bối cảnh thị trường cạnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ gắn kết hợp tác chặt chẽ và thấu hiểu giữa doanh nghiệp và người lao động là điều cực kỳ quan trọng. Sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp với tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động sẽ tạo ra môi trường lao động tích cực, động viên sự sáng tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố.

Yêu cầu đặt ra với doanh nhân hiện nay không chỉ giỏi chuyên môn quản lý, điều hành kinh doanh mà còn tạo điều kiện để người lao động chuyên tâm với công việc, tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt, có chất lượng, tạo dựng ý thức cùng xây dựng doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Thông qua Chương trình, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết tình trạng thiếu việc làm. Tạo điều kiện pháp lý để doanh nghiệp có thể xây dựng ngay nhà ở xã hội cho người lao động. Hỗ trợ vay vốn mua/thuê nhà ở xã hội. Thành phố hỗ trợ xây dựng chương trình hành động nâng cao năng lực cho các tổ chức đại diện người sử dụng lao động hài hòa, tiến bộ qua đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cung cấp thông tin tư vấn.

Ghi nhận những ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đồng hành, chia sẻ và ổn định đời sống người lao động cũng chính là ổn định Doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị, sở, ngành liên quan có trách nhiệm trao đổi, làm rõ các nội dung doanh nghiệp quan tâm. Giúp doanh nghiệp nắm, hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật cũng là giúp cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất, đơn hàng, việc làm đối với người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, sau hơn hai năm phục hồi sau đại dịch Covid-19, kinh tế Thành phố 4 tháng đầu năm 2024 từng bước phục hồi thể hiện rõ qua công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách… Trong đó, thu ngân sách 4 tháng tăng 7,5% so cùng kỳ, ước 183.000 tỷ đồng, cho thấy sức sống cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, đồng nghĩa kinh tế thành phố phát triển. Năm 2024 cũng là năm thành phố tăng tốc, bứt phá để về đích hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2020-2025.