Người dân khốn khổ vì tiếng loa từ các nhà nuôi chim yến

NDO - Nhiều người dân ở thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), hiện nay rất bức xúc, mất ăn, mất ngủ bởi tiếng loa dẫn dụ chim yến được các nhà yến thi nhau mở hết công suất cả ngày lẫn ngày, như “tra tấn” mọi người…
0:00 / 0:00
0:00
Hàng nghìn hộ nuôi chim yến tràn lan tại thành phố Bạc Liêu.
Hàng nghìn hộ nuôi chim yến tràn lan tại thành phố Bạc Liêu.

Nghề nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu bắt đầu từ khoảng năm 2000 và phát triển một cách tự phát rất nhanh trong mấy năm gần đây.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 1.500 nhà yến, tập trung nhiều nhất ở thành phố Bạc Liêu và các huyện như: Hòa Bình, Đông Hải, thị xã Giá Rai...

Nhiều người dân ở thành phố Bạc Liêu cho biết, hầu hết các nhà yến ở đây đồng loạt mở loa dẫn dụ chim yến cả ngày lẫn đêm khiến họ mất ăn mất ngủ. "Không chỉ ban ngày, ban đêm họ có mở nhưng âm lượng lớn.

"Các loa có công suất lớn, các chủ hộ nuôi chim yến họ đặt trên nóc nhà “chĩa” tứ hướng, nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình ở khu vực này mất ăn, mất ngủ nhiều năm nay…”, chị Trần Hải Trâm, nhà ở đường Nguyễn Thái Học, phường 1, thành phố Bạc Liêu bức xúc nói.

Chị Giang Thị Muội, chủ quán cà-phê tại số 1 đường Nguyễn Thái Học, khóm 7, phường 1, thành phố Bạc Liêu bức xúc cho biết: “Phía trước mặt quán tôi khoảng 150m có nhà nuôi yến cao nhiều tầng, mở loa “dụ chim” yến cả ngày đêm đã làm đảo lộn cuộc sống, nhức cả đầu. Nhiều khách ngồi uống nước, muốn nghỉ ngơi chút cũng không được, rất mệt mỏi và bực bội".

Mặc dù trước đó, ngày 15/7/2022, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa 10 (nhiệm kỳ 202-2026) đã thông qua Nghị quyết về “Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.

Nghị quyết này được đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh đồng rất tình ủng hộ, vì đáp ứng được nguyện vọng chính đáng nhiều năm nay của nhân dân.

Theo quy định này, khu vực không được phép nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cụ thể, tại các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu phải cách khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư; khu vực gần bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan, công trình công cộng, cơ sở sản xuất; các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đã có chủ trương đầu tư trên các địa bàn còn lại dưới 300m.

Đồng thời, vùng, khu vực được nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, không gây ảnh hưởng đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.

Theo nhiều cán bộ và người dân Bạc Liêu, hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu vực thành phố Bạc Liêu, hoạt động nuôi chim yến nhiều năm qua chủ yếu là do người dân tự phát xây dựng. Kể cả nhà ở, nhà nuôi yến cùng tồn tại trong một căn nhà. Rất nhiều hộ xây nhà cao 5-6 tầng, người ở một hoặc hai tầng dưới, còn các tầng trên sử dụng để nuôi dụ chim yến.

Chính vì vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường là rất lớn, làm ảnh hưởng sinh hoạt của cộng đồng; làm xấu và “nhếch nhác” cảnh quan đô thị, gây nhiều bức xúc, bất bình của nhân.