Mỗi năm, yến CLC đem lại nguồn thu 50 - 70 tỷ đồng, hiện đơn vị khai thác yến có 80 người, bình quân mỗi người mỗi năm làm ra từ 625 - 875 triệu đồng, đây là khoản tiền thu không nhỏ. Vấn đề là làm thế nào để bảo đảm nguồn thu.
Là... con người
Kỹ sư Huỳnh Ty cho biết: “Hang Khô là một hang lớn được cải tạo nằm trên đảo Hòn Khô Mẹ, có đáy ngập nước, cửa hang hẹp và cao. Đây là hang duy nhất trong 10 hang có đặc điểm thông xuyên núi với cửa hang lớn mở ra hướng đông nam và cửa hang bé mở thông sang hướng tây bắc. Hang Khô kéo dài khoảng 50 m”.
“Cửa đông nam được cải tạo đổ mái bê-tông phía trên miệng hang với bốn lớp mái so le và được chống bởi chín cột bê-tông phía ngoài. Một phần mái phía trong được gắn các tấm giá gỗ để tăng diện tích làm tổ cho chim yến trong hang. Phía trước cửa hang đông nam có một đập bê-tông thông đáy có kích thước: chiều cao (11,46 m), chiều rộng (1,9 m), chiều dài (3 m). Đây là một trong những hang tập trung cải tạo mái. Tuy nhiên, thiết kế nhiều cột chống chắn ở miệng hang là chưa hợp lý ảnh hưởng tới nơi làm tổ cũng như đường bay của chim yến ra vào hang”.
Tính toán như vậy, tăng diện tích là như vậy, nhưng chim bay về làm tổ ít hơn, ông Huỳnh Ty thông tin. Trong những năm gần đây, sản lượng yến hang giảm, yến nhà tăng. Năm 2020, sản lượng yến nuôi nhà đã đạt 65% so yến khai thác hang tổ tự nhiên.
Những hang yến được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Chỗ nào có hang yến làm tổ, chỗ đó khách du lịch không được phép vào, còn những đối tượng khác, nếu tìm cách thâm nhập, sẽ có một tiếng nổ “khà-bum”... cảnh báo. Kẻ thù của chim yến được các công nhân - kỹ sư ở đây thống kê: dơi, chuột, rắn ráo, chim cắt, chim cú, các loại côn trùng... Dơi xuất hiện đến hàng trăm cá thể tại hang Cả, hang Trăn và vì vậy, số lượng chim yến càng ngày càng giảm.
“Công nhân bảo vệ hang đã nhiều lần tiêu diệt dơi tại hang Trăn nhưng chưa có hiệu quả. Như vậy, có thể thấy dơi là loài cạnh tranh nơi ở rất mạnh với chim yến tổ trắng về nơi ở, nếu chúng phát triển mạnh ở nhiều hang sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể chim yến tổ trắng tại CLC”, ông Huỳnh Ty cho hay.
Mất yến - mất việc làm
Đầu đường Đỗ Đăng Tuyển (phường Cẩm Châu, Hội An), ngay cạnh karaoke Phương Bắc, có một nhà nuôi chim yến, nhiều người nước ngoài qua đây đã ngạc nhiên, buông câu hỏi rằng, họ nuôi chim gì mà ồn ào? Nuôi chim đó để làm gì?
Thực tế, chim yến không ồn mà là do máy phát tiếng gọi chim bằng loa kích hoạt bật từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, điếc tai người qua đường và dân sống chung quanh. Còn với chim yến, ngày bay đi kiếm ăn xa, tối về ngủ.
Những người khách phương Tây sống ở xứ lạnh không biết đây là loài chim cho con người nhiều chất bổ. Nhưng thị trường tiêu thụ tổ yến lại là các nước Bắc Á. Nên có giải thích cho họ cũng không làm họ hài lòng vì thứ “tiếng hót gọi bầy” ồn ào quanh khu dân cư. Nếu những nhà nuôi yến xây dựng nhà nuôi tách biệt với khu dân cư sẽ là điều tốt hơn. Chưa nói đến chuyện, những nhà xây nuôi yến này quá xấu. Nhiều người trong nhóm diễn đàn nuôi yến cũng đã bàn đến điều này... tổ bồ câu làm đẹp được, tại sao chim yến lại không có “căn nhà” đẹp.
Lại bàn về chất bổ tăng cường cơ thể. Tôi nhớ một lần, đi dự tư vấn dinh dưỡng về sức khỏe tại Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh), có những câu hỏi ăn gì cho bổ, hải sản, yến sào, hàu tươi... Bác sĩ dinh dưỡng trả lời rằng, thức ăn vào dạ dày tiêu hóa đều biến thành protit cho cơ thể. Và không nên dùng quá nhiều sơn hào hải vị vì có thể chúng ta không kiểm soát được vệ sinh khi nó sống trong thiên nhiên với những ô nhiễm nguồn nước, không khí. Theo đó, dẫn đến bổ thận thì hại gan, bổ bàng quang hại tim mạch.
Tại các hang yến, trước mùa sinh sản, công nhân dọn sạch phân chim đọng trong các vách hang, đáy hang tạo điều kiện thuận lợi cho chim làm tổ. Trong thời gian đầu yến ấp trứng, công nhân yến hạn chế ra vào hang, tránh gây sợ hãi cho chim, chim không bay loạn trong hang làm rơi tổ, rơi trứng.
Kỹ sư Huỳnh Ty cho biết: “Hoạt động khai thác tổ ảnh hưởng lớn nhất đến quần thể đàn chim yến. Tỷ lệ chim non rời tổ mỗi năm phụ thuộc vào quá trình khai thác tổ của con người. Vì thế, con người cần nghiên cứu kỹ thời điểm khai thác tổ phù hợp để vừa bảo đảm mang lại nguồn lợi từ yến đảo vừa phát triển bền vững quần đàn chim yến đảo”.
Khai thác tổ yến đảo CLC tiến hành hai đợt. Đợt 1 bắt đầu từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5; đợt hai bắt đầu từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Khi khai thác, đội khai thác yến phải kiểm tra hang để bảo đảm chim non đã rời tổ gần hết mới bắt đầu công việc khai thác. Dù thế, trong đợt khai thác thứ hai, vẫn còn một số ít chim non trong thời gian tập bay nhưng chưa rời khỏi tổ. Số chim này cũng sẽ bị chết đi, do thiếu nguồn thức ăn để duy trì sự sống.
Về chuyện tăng hoặc giảm đàn, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ hộ nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Chim yến di cư với nhiều lý do khác nhau. Những năm trước, các gia đình nuôi yến ở miền nam ghi nhận, đàn yến tăng về số lượng, nguyên nhân động đất, sóng thần ở các nước láng giềng, chim bay về nước ta. Chim yến bỏ tổ cũng do khu vực chung quanh hay đốt rơm rạ, đốt rác. Chim yến bỏ tổ cũng do chính con người, cứ ra vào khu vực có tổ chim như ra vào... chợ”.
Huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) không có núi non, hang động, nhưng nghề nuôi yến ở đây khá phát triển. Năm 2020, thống kê từ UBND huyện cho thấy có 314 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến thu hoạch đạt 4,8 tấn. Giá tổ yến thô trung bình từ 18 - 25 triệu đồng/kg. Theo đánh giá của huyện, ngành nghề này đã đóng góp hơn 90% giá trị của lĩnh vực chăn nuôi.
Nuôi yến cũng là một ngành nông nghiệp. Một ngành nông nghiệp chỉ cần kỹ tính là làm được.
(Còn nữa)
“Một vài năm trước, chúng tôi theo dõi một nhà yến, sau hai năm đàn yến không tăng bao nhiêu mặc dù quan sát thấy chim mẹ đẻ trứng, ấp trứng đều, nếu theo đúng chu kỳ thì nhà yến đó sau một năm số lượng chim phải tăng ba lần và chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân chính là do chúng tôi vào nhà đó để khảo sát, nghiên cứu nhiều quá, làm chim thấy có nhiều mùi lạ không an toàn nên nhiều chim không trở về nhà đó nữa”.