Đắk Lắk chính thức quy định vùng nuôi chim Yến

NDO -

Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Một nhà ở của người dân kết hợp nuôi chim yến trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Một nhà ở của người dân kết hợp nuôi chim yến trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng người dân đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến tràn lan trong khu đông dân cư và sử dụng những chiếc máy sóng âm dẫn dụ chim yến với âm thanh chát chúa làm ảnh hưởng tới người dân chung quanh.

Nghị quyết này của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk quy định, khu vực không được phép chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (trừ loại vật nuôi làm cảnh, loại vật nuôi trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bao gồm: Khu vực thuộc tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu dân cư ở trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với các nhà yến đã hoạt động trước ngày 23/8/2021 nhưng không đáp ứng quy định, nằm trong khu vực thuộc tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu dân cư ở trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.

Về chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi có thường xuyên từ một đơn vị vật nuôi trở lên nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và xây dựng, hoạt động trước ngày 23/8/2021 phải di dời cơ sở chăn nuôi đến khu vực được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi trước ngày 1/1/2025 được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng với mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/tháng/lao động theo giá do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm hỗ trợ.

Số lao động được hỗ trợ theo quy mô chăn nuôi gồm: Chăn nuôi nông hộ được hỗ trợ một lao động/cơ sở; chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ từ 10 đến 30 đơn vị vật nuôi hỗ trợ không quá ba lao động/cơ sở; trang trại chăn nuôi quy mô vừa từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ không quá năm lao động/cơ sở; trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên hỗ trợ chủ cơ sở và hợp đồng lao động thực tế tại cơ sở.

Liên quan tới việc hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đối với chăn nuôi nông hộ có từ một đến dưới năm đơn vị vật nuôi được hỗ trợ hai triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ năm triệu đồng/cơ sở có từ năm đến dưới 10 đơn vị vật nuôi; hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Nghị quyết này cũng quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề đối với các hộ chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, phải chấm dứt hoạt động chăn nuôi.

Theo đó, chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi có thường xuyên từ một đơn vị vật nuôi trở lên nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và xây dựng, hoạt động trước ngày 23/8/2021 phải di dời cơ sở chăn nuôi đến khu vực được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi trước ngày 1/1/2025, có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng thì được hỗ trợ chi phí đào tạo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Đối với các cơ sở chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư không thực hiện di dời hoặc không chấm dứt hoạt động chăn nuôi sau ngày 31/12/2024 sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ, đồng thời bị xử lý theo quy định.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Chăn nuôi, Chi Cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 500 nhà nuôi chim yến trải khắp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng nhà nuôi chim yến còn lớn hơn rất nhiều.

Lâu nay, việc quản lý nuôi chim yến được quy định cụ thể tại Điều 64 Luật Chăn nuôi năm 2018 và được quy định chi tiết tại Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Theo đó, việc nuôi chim yến phải đáp ứng những yêu cầu như: chim yến chỉ được phép nuôi trong vùng nuôi chim yến do HĐND tỉnh quy định. Tuy nhiên, lâu nay việc xác định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh chưa được HĐND tỉnh quy định chính thức nên những năm gần đây, tình trạng người dân đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến diễn ra tràn lan trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, phần lớn nhà nuôi chim yến đều được xây dựng trong khu đông dân cư, nhiều nhà xây dựng cao tầng như một “biệt thự” với kinh phí hàng tỷ đồng. Đồng thời sử dụng những chiếc máy sóng âm dẫn dụ chim yến với âm thanh chát chúa phát từ 5 giờ sáng đến 19 giờ tối hằng ngày làm người dân chung quanh bị “tra tấn”; đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học hành của các cháu nhỏ, không thể tập trung học bài. Còn người lớn tuổi thì ngủ không ngon giấc… khiến họ hết sức bức xúc, nhưng không biết kêu ai.

Chính vì vậy, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện chủ trương này một cách quyết liệt, triệt để nhằm lập lại trật tự trong chăn nuôi nói chung, nuôi chim yến nói riêng, không để việc xây nhà nuôi chim yến trong khu đông dân cư ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như lâu nay.