Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa

NDO - Tròn 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhiều hoạt động tri ân chiến sĩ Điện Biên đã diễn ra trên khắp các địa phương trên cả nước. Tại buổi gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỵ, năm nay đã bước sang tuổi 95 là người duy nhất của thị xã Bỉm Sơn còn sống về dự.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Mỵ, chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Ông Nguyễn Văn Mỵ, chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Ông sinh năm 1929 trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc thôn Cẩm La, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1951 ông tham gia Quân đội, ban đầu là bộ đội địa phương, sau chuyển thành bộ đội chủ lực. Năm 1953 để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông đang huấn luyện ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thì được lệnh hành quân lên Tây Bắc.

Sau Tết Quý Tỵ năm 1953, toàn đơn vị biên chế thành đội hình để lên đường. Ròng rã hàng tháng trời, vượt qua bao suối sâu, núi cao, rừng thẳm của miền tây Thanh Hóa sang đất Hòa Bình, rồi Sơn La… Qua đèo Pha Đin chỉ thấy rừng rậm mịt mùng, thấp thoáng bóng nhà sàn của đồng bào Thái, Dao.

Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa ảnh 1

Tỉnh Thanh Hóa tổ chức tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mỗi khi nấu cơm, bộ phận hậu cần phải làm bếp Hoàng Cầm, một loại bếp cho tản khói ra xung quanh để tránh máy bay địch phát hiện. Bộ đội chỉ được đi vào ban đêm vì ban ngày máy bay địch bắn phá rất gắt gao.

Ông Mỵ kể hôm ấy qua dốc Cun (Hòa Bình), máy bay ném bom có người bị thương. Đánh hơi thấy mùi máu, cọp trong rừng xông ra khiến bộ đội ta phải nổ súng xua đuổi. Dù trải qua hành trình gian khổ, vất vả, hiểm nguy như vậy nhưng tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ ta luôn bừng bừng khí thế, quyết tâm đánh thắng kẻ thù.

Đến Điện Biên vào cuối tháng 2 năm 1953, ông được biên chế vào đơn vị lựu pháo thuộc Trung đoàn 44, Sư đoàn 351, do đồng chí Đào Xuân Trường làm Tư lệnh và đồng chí Lê Thiết Hùng làm Chính ủy.

Những kỷ niệm khiến ông không bao giờ quên là đào hào trên cánh đồng Mường Thanh, nước ngập đến đầu gối, trên đầu máy bay quần thảo và từ trên cao địch pháo kích vào đội hình. Có lần ông suýt chết khi bò ra lấy dù của địch thả xuống cung cấp quân trang, quân dụng cho lính Pháp. Ông và một người đồng đội tên là Quang đang chạy mang hàng về thì một quả pháo cối nổ ngay bên cạnh. Hôm ấy, đồng đội Quang hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Vào khoảng 20 giờ ngày 14/4/1954, thời điểm gay go ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tổ của ông gồm 3 người, trong đó đồng chí Soạn người Thái Bình làm tổ trưởng được giao nhiệm vụ đào giao thông hào ở đồi E đối diện với đồi A1.

Khi tổ của ông mới đào hào sâu độ 1 mét thì quân địch bắn pháo sáng và phát hiện ra. Chúng pháo kích xối xả, cấp tập. Theo phản xạ tự nhiên, ông Mỵ nằm rạp xuống lòng hào tránh đạn, đồng thời lấy cái xẻng che lên trên. Trong đêm tối, không ai có thể nhìn thấy gì, bất giác sờ lên mặt, ông thấy thấy mặt mình ướt đẫm, nước chảy vào miệng thấy có vị mặn, mới biết mình đã bị thương.

Lần mò trong tối tìm được đồng chí Soạn, lay gọi nhưng anh ấy đã hy sinh. Ông Mỵ cố lết về được đến hầm thì ngất lịm đi, không biết gì nữa. Sau đó được tải thương của đơn vị chuyển về tuyến sau.

Tại Bệnh viện Quân y tiền phương, các y, bác sĩ đã mổ để lấy những mảnh đạn đang găm trong đầu ông ra. Trong số 6 mảnh đạn, chỉ gắp được 4 mảnh, còn 2 mảnh ở vị trí hiểm yếu nên không thể lấy ra được. Nghiêng đầu, ông Mỵ chỉ tay lên vùng bên trên thái dương: “Bây giờ, hai mảnh kim loại đó vẫn còn nằm trong đầu tôi đây, mỗi khi trở trời lại đau nhức khó chịu”.

Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa ảnh 2
Ông Mỵ và tác giả bài viết tại nhà riêng thị xã Bỉm Sơn.

Sau chiến dịch Điện Biên, ông Mỵ tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến năm 1959 thì chuyển ngành sang làm việc tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Trên vị trí công tác mới, ông trải qua nhiều công việc như làm kỹ thuật ở đài truyền thanh, đội thi công lắp máy hay đội sản xuất của nhà máy.

Ở bất kỳ công việc nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhất công việc được giao và được cơ quan khen thưởng, đồng nghiệp tin yêu, kính trọng.

Ông Mỵ luôn tự hào trong đời mình có 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu năm 1957, trong một lần duyệt binh toàn quân. Lần thứ hai năm 1958 Bác xuống thăm và làm việc với đơn vị, thấy ông đeo một cái máy thông tin sau lưng, Bác dừng lại chỗ ông và hỏi: Chú đeo có nặng không. Lần thứ ba Bác về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên năm 1962.

Năm 1971, ông Mỵ nghỉ hưu, trở về quê hương, hiện ông đang thường trú ở phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với sự tín nhiệm của nhân dân, ông tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn. Trong suốt những năm công tác tại địa phương, ông luôn tìm tòi, học hỏi và sáng tạo kỹ thuật nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, giúp bà con quê hương làm ăn hiệu quả.

Với bản chất người lính Điện Biên năm xưa từng xông pha nơi lửa đạn hiểm nguy, không có khó khăn nào làm ông nản chí. Không những thế, ông Mỵ còn là người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế bằng các hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm. Ông không những phát triển kinh tế cho gia đình mà còn giúp rất nhiều gia đình cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp. Ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ con cháu học tập và noi theo.

Dù đã bước vào tuổi 95, nhưng ông Mỵ vẫn còn khá minh mẫn và nhanh nhẹn. Mặc dù ở sát ngay bên cạnh người con trai và các cháu nhưng ông vẫn muốn tự lập. Tự mình nấu cơm, chăm sóc cây cối quanh nhà, nuôi mấy con gà đẻ lấy trứng. Hằng ngày, ông đạp xe vài ba cây số đến chơi nhà bạn bè thân quen, cũng là để tập thể dục giữ gìn sức khỏe.