Hiệp định Geneva năm 1954: Dấu mốc lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

NDO - Tại Hội thảo khoa học “70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương có bài phát biểu khẳng định ý nghĩa, tầm vóc của hiệp định quan trọng này. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Sơn Tùng)
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Sơn Tùng)

Thưa các đồng chí

Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra thắng lợi to lớn kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, đã trở thành mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chỉ một ngày sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương đã được khai mạc. Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng, kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đến dự Hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Đây là lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia vào một Hội nghị quốc tế đa phương, có đại diện của năm nước lớn là: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, tại Hội nghị Geneva, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kiên định lập trường độc lập dân tộc; vừa tự chủ, tự cường trong cuộc đấu tranh bền bỉ, can trường với sự dàn xếp, chi phối của các nước lớn; vừa có những nhân nhượng khôn khéo, mềm dẻo, từng bước đàm phán tháo gỡ những bế tắc, căng thẳng, giải quyết thành công nhiều vấn đề rất khó khăn như: phân vùng đóng quân, tổng tuyển cử trên cả nước và thống nhất Việt Nam, các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia...

Hiệp định Geneva năm 1954: Dấu mốc lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ảnh 1
Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, rạng sáng ngày 21/7/1954, ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Hội nghị đã họp phiên bế mạc và thông qua “Tuyên bố cuối cùng” về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương; từ đây mở ra một cục diện mới, buộc Pháp phải rút quân về nước, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Phát huy sức mạnh và ảnh hưởng to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

Phát huy sức mạnh và ảnh hưởng to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Từ Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Tạm ước ngày 14/9/1946 cho đến Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 đã từng bước chứng kiến sự trưởng thành và lớn mạnh của nền ngoại giao cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh cùng những thay đổi mang tính bước ngoặt trong vị thế quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia Hội nghị Geneva đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là: chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Geneva được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22/7/1954: “Ngoại giao ta đã thắng lợi to…Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi nước ta, v.v.”[1]

Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta... cũng là thắng lợi của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của nhân dân các nước bạn...của nhân dân Pháp...là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược... là thất bại của đế quốc Mỹ”[2].

Nói về ý nghĩa thắng lợi và cục diện mới của cách mạng Việt Nam do Hiệp định Geneva mang đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: Nếu như trước đây ta chỉ có rừng núi và đêm, giờ đây ta có cả sông biển và ban ngày [3].

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Geneva còn là thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đây là sự mở đầu cho làn sóng sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, truyền cảm hứng và niềm tin cho các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin, đưa đến sự ra đời của nhiều nhà nước dân chủ nhân dân; tiếp tục trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, thống nhất của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra thắng lợi to lớn kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, đã trở thành mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó và so sánh tương quan lực lượng giữa các bên, Hiệp định Geneva chưa phản ánh đầy đủ tầm vóc và tư thế thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường, cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, mong muốn do Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra. Nhân dân Việt Nam vẫn còn phải bước tiếp, vượt qua một hành trình đầy gian khổ, hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để Bắc-Nam sum họp một nhà.

Trên hành trình đó, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao và pháp lý nhằm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Hiệp định Geneva; nhất là trong hoàn cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm luôn tìm mọi cách phá hoại Hiệp định, không tiến hành tổ chức tổng tuyển cử, tiếp tục âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, mở đường cho sự xâm lược của đế quốc Mỹ.

Với Hiệp định Geneva, miền bắc được hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương lớn, căn cứ địa vững chắc của tiền tuyến lớn miền nam. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để quân và dân ta củng cố thắng lợi đã giành được, khôi phục lực lượng, chuẩn bị bước vào giai đoạn tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Thưa các đồng chí,

70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên giá trị; với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tỏa sáng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.[4] Đó là các bài học:

(1) Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Thắng lợi của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành được tại Hội nghị Geneva là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là một trong những minh chứng hùng hồn nhất về sự thắng lợi của ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của ngọn cờ công lý và chính nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Đó còn là sự thắng lợi của ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam hưởng ứng và đi theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

(2) Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao

Hiệp định Geneva tiếp nối những thành quả của cuộc đấu tranh bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công Chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Diễn biến của Hội nghị Geneva phản ánh thực tế so sánh lực lượng trên chiến trường, khi quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động tiến công thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch để phối hợp với đấu tranh ngoại giao, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán trên thế thua.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phương châm “vừa đánh, vừa đàm” đã được vận dụng và phát triển sáng tạo trong quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris, với sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao, lấy kết quả tác chiến trên chiến trường làm cơ sở để giành thắng lợi trên bàn đàm phán. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”.

Từ nhận thức sâu sắc đó, trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập, Đảng ta đã đề ra chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; coi đẩy mạnh đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại cùng với tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

(3) Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết

Đây là bài học mang tính nguyên tắc của nền ngoại giao Việt Nam, được thực hành, vận dụng sáng tạo bởi những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Mặc dù Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến và chịu nhiều tác động, sức ép của các nước lớn với những lợi ích và mục tiêu khác nhau, nhưng với tư thế của người chiến thắng, Phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, mong muốn có hòa bình, chấm dứt chiến tranh; vừa kiên quyết giữ vững lập trường có tính nguyên tắc, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[5] trong quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Geneva. Kế thừa và phát triển bài học đó, ngày nay, Đảng ta đã đề ra chủ trương đúng đắn: tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

(4) Quán triệt sâu sắc phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva cho thấy, nguyên tắc bất biến là giữ vững độc lập, tự chủ, kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất trọn vẹn; ứng vạn biến là mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong những tình huống cụ thể để giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Việc vận dụng, thực hành sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược” của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới chính là biểu hiện sinh động cho đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát, đó là: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường.

(5) Phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva là chiến thắng của sức mạnh vĩ đại của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Pháp và các nước thuộc địa.

Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn coi trọng công tác tuyên truyền và tranh thủ dư luận quốc tế nhằm nêu cao lập trường chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại; thể hiện thái độ thiện chí và khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam, vạch trần âm mưu phá hoại Hội nghị, kéo dài đàm phán của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bài học kinh nghiệm sâu sắc trong đấu tranh dư luận ở Hội nghị Geneva đã được đúc rút và phát huy trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Phát huy truyền thống của dân tộc và những bài học quý báu của cách mạng Việt Nam, ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm “dân là gốc”, phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhất quán chủ trương: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tôi tin tưởng rằng, kết quả của cuộc Hội thảo hôm nay sẽ được lan toả sâu rộng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ và cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trân trọng cảm ơn!


[1] Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22/7/1954

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.233-234.

[3] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử, Tập 4, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2014, tr.159-160.

[4] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1969

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, Tập 8