Ngư dân trở về, nước mắt đoàn tụ lẫn nghẹn ngào biệt ly

NDO - Tàu chìm giữa đêm khuya thì hầu hết ngư dân sống sót, còn tàu chìm đầu buổi tối thì nhiều người tử nạn. Giữa đại dương, mọi việc đều có thể xảy ra. May mắn không phải lúc nào cũng kịp lúc. Người ôm, kẻ nắm tay mừng tủi, người đứng xa khóc òa … Nước mắt đoàn tụ lẫn nước mắt nghẹn ngào nỗi đau biệt ly.
0:00 / 0:00
0:00
Chứng kiến nhiều gia đình đoàn tụ, người thân ngư dân Đoàn Văn Chí vẫn đang mất tích, khóc nức nở.
Chứng kiến nhiều gia đình đoàn tụ, người thân ngư dân Đoàn Văn Chí vẫn đang mất tích, khóc nức nở.

Tàu 467 của Quân chủng Hải quân chuẩn bị cập cảng Chi đội Kiểm ngư số 3. Từ trên bờ cảng nhìn ra, gần trăm người đàn ông đứng trên hàng lang thân tàu, phía trước và sau tàu chật kín người. Tất cả cùng hướng nhìn vào bờ như mong tàu nhanh cập bến.

Tàu cập bến, chiếc xe đưa những ngư dân di chuyển vào hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3. Gần 500 người chen lấn nhau ở khoảng sân, bậc thềm rộng của hội trường. 93 người bị nạn cùng hành trình ứng cứu, tìm kiếm ngư dân mất tích lớn nhất trong hơn 15 năm qua ở tỉnh Quảng Nam và các tỉnh ven biển miền trung.

“Thêm 5, 6 giây nữa tôi cũng chết”

Trải qua biến cố lớn trong đời nghề biển cùng hành trình lênh đênh trên biển gần một tháng qua nhưng anh Phan Văn Nam, 52 tuổi, ở xã Tam Giang vẫn tươi tỉnh khi về bờ. Từ khi được anh em tàu bạn cứu vớt đưa lên tàu chăm sóc, cán bộ y tế cho thuốc uống kịp thời nên anh phục hồi sức khỏe.

Nhớ đêm tàu nhấn chìm 54 anh em trên tàu câu mực, gương mặt anh thoáng hoảng loạn trở lại. Anh Nam kể, khi anh cùng 7 đồng nghiệp ngồi trên tàu ăn mì tôm thì chợt tàu cá nghiêng sang một bên. Chỉ kịp la to báo động, từ trên tàu anh liều mình nhảy xuống biển trong bóng đêm dày đặc. Tàu nghiêng, dầu đổ tràn khắp nơi, nhiều bạn tàu bị kẹt trong khoang tìm lối thoát. Lốc xoáy cuốn tàu không kịp trở tay, hơn năm phút tàu chìm hẳn. Trên mặt biển dầu diesel loang rộng.

Để thoát ra khỏi con tàu đang chìm dần, bảy anh em lặn sâu. Uống nước lẫn dầu máy, anh cùng nhiều người chui qua giàn phơi mực cố bơi để không bị cuốn chìm theo.

Ngư dân trở về, nước mắt đoàn tụ lẫn nghẹn ngào biệt ly ảnh 1

Sống sót trở về nhà nhưng thuyền trưởng tàu QNa 90129 TS Lương Văn Viên khóc nghẹn khi 12 anh em đi cùng tàu vẫn còn ngoài khơi

Bám thúng bơi trên biển từ 20 giờ 30 đến 2 giờ sáng thì anh em được tàu bạn đến cứu. “Chỉ kịp thoát thân. Nhiều người uống nước lẫn dầu chạy máy đó. Sau đó lật được mấy cái thúng, không có dầm để bơi phải lấy dao cắt vành thúng làm dầm. Mình làm nghề 30 năm rồi chưa gặp như thế bao giờ. Vòi rồng thì mình cũng thấy rồi nhưng không lật úp như vầy”, anh Nam sợ hãi khi nhớ lại.

Chỉ 5,6 giây nữa là mình chết thôi. May trồi kịp lên mặt nước khi vừa hết hơi. Anh em ai trồi lên được thì trồi, còn lại chìm theo tàu.

Anh Võ Văn Sơn, xã Tam Quang

Sau nhiều đêm liên tục câu, mỗi ngư dân được vài tạ mực. Đêm neo cho tàu nghỉ ngơi cũng là lúc tàu chìm, mãi dừng cuộc hành trình xa khơi.

“Chỉ 5,6 giây nữa là mình chết thôi. May trồi kịp lên mặt nước khi vừa hết hơi. Anh em ai trồi lên được thì trồi, còn lại chìm theo tàu”, anh Võ Văn Sơn ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, chưa thôi khiếp đảm.

Ôm chặt đứa con trai nhỏ trong vòng tay, anh Sơn không tin mình còn sống quay về. Anh nhớ lại, tàu lật nghiêng rồi chìm dần, tất cả mọi người hoảng loạn tinh thần. Anh chỉ kịp lặn sâu xuống dưới để thoát khỏi dàn phơi mực đang ngã theo tàu và vây kín mặt biển. Bên dưới dàn tre và trong khoang tàu, nhiều ngư dân đang chới với.

Dù cố bơi nhưng áo anh Sơn bị mắc trong các thanh tre, anh dần đuối sức. May mắn đến khi chỉ trong tích tắc anh trồi lên mặt biển. Đuối sức nhưng nhờ có bạn đồng nghề hỗ trợ, anh thoát chết gang tấc. Hai chồng thúng bật ra khỏi tàu, cùng hợp sức kéo ra ngoài, 40 người chia nhau ba thúng bu bám. “Nhờ có thúng leo lên mới biết mình sống. Chứ nếu bơi chờ tàu tới thì không biết còn mạng không. Về đất liền gặp vợ, con mừng lắm, tưởng mình đi luôn ngoài khơi rồi”.

Nhiều người còn ở lại biển khơi

Chưa đầy mươi phút chìm tàu, ông Hồ Văn Quận, 58 tuổi, mất 12 anh em trên tàu QNa 90129 TS. Sau 100 giờ trôi qua, tất cả biệt vô âm tín ngoài đại dương. Lúc tàu chìm, ông Quận ở trên dàn phơi mực bên trái tàu. Phía bên kia, nhiều người ngủ say. Tàu lật úp, ông hoảng loạn bơi về hướng lái của tàu.

Uống nước quá nhiều nhưng ông vẫn cố thoát khỏi mặt biển, nơi chiếc tàu đang chìm dần. Bốn người còn lại theo tàu lật úp cùng giàn phơi mực. “Tôi nằm bên này nhìn sang anh em bên kia, tích tắc họ mất hết”, ông Quận bật khóc.

Ngư dân trở về, nước mắt đoàn tụ lẫn nghẹn ngào biệt ly ảnh 2

Đón ngư dân từ thuyền thúng lên tàu để vào bờ.

Tàu QNa 90927 TS chở 39 ngư dân câu mực bị nạn lúc 1 giờ sáng ngày 17/10/2023 bị sóng đánh chìm trong đêm khuya. Thế nhưng, 38 anh em thuyền viên vẫn kịp lao ra biển, một người ngủ trên giàn tre phơi mực chưa kịp thoát, tàu đã chìm. Còn tàu QNa 90129 TS cùng 54 lao động bị lốc xoáy lúc 8 giờ tối ngày 16/10/2023. Tàu bị nạn giữa đêm khuya thì hầu hết ngư dân sống sót, còn tàu chìm đầu buổi tối thì nhiều người tử nạn.

Tàu QNa 90927 TS chở 39 ngư dân câu mực bị nạn lúc 1 giờ sáng ngày 17/10/2023 bị sóng đánh chìm trong đêm khuya. Thế nhưng, 38 anh em thuyền viên vẫn kịp lao ra biển, một người ngủ trên giàn tre phơi mực chưa kịp thoát, tàu đã chìm. Còn tàu QNa 90129 TS cùng 54 lao động bị lốc xoáy lúc 8 giờ tối ngày 16/10/2023. Tàu bị nạn giữa đêm khuya thì hầu hết ngư dân sống sót, còn tàu chìm đầu buổi tối thì nhiều người tử nạn.

Anh Trần Công Trường, thuyền trưởng tàu QNa 90927 TS cho biết, khi cho tàu neo nghỉ trên biển, hầu hết anh em thuyền viên ngủ trên boong tàu, sàn tàu nên khi có sự cố tất cả đều la to báo thức và thoát nhanh. “Anh Định mất tích là lúc đó nằm trên giàn phơi nhảy xuống thì tàu ụp kẹp luôn. Còn tàu QNa 90927 TS thì anh em nói là tàu bị lúc sớm, lúc đó trên tàu đang phơi mực đêm. Anh em ngủ trên giàn phơi mực, dưới hầm mà lốc xoáy nhanh nên không thoát kịp”, anh Trường chia sẻ.

“Những người được đánh thức thì lặn, bu thân tàu, thành tàu còn sống. Còn số anh em vướng giàn phơi mực, dưới khoang thì không kịp. Lốc hất tàu nghiêng, nước vào gió đánh nữa nên lật chìm luôn. Ban ngày mình thấy còn chạy né tránh chứ ban đêm không biết. Cách tàu tôi 10-15 lý có mấy tàu bạn chạy tới cứu kịp”, gắn bó với tàu QNa 90129 TS gần 17 năm, anh Bùi Xuân Thiện nhìn bạn nghề cùng tàu chìm trong thương tiếc.

Sau gần sáu ngày tìm người trên hai tàu bị nạn, cuộc tìm kiếm vô vọng giữa mênh mông biển khơi. Cơ hội tìm thấy 13 ngư dân ngày càng ít dần.

Chị Đặng Thị Ngọc Huyền, em gái anh Đặng Minh Vương, khóc tức tưởi khi anh trai gần 40 tuổi vẫn đang mất tích. Chị cùng người thân của 12 ngư dân được kết nối nói chuyện trực tiếp với anh em cán bộ, chiến sĩ trên các tàu đang tìm kiếm người mất tích ngoài vùng biển Trường Sa.

Chị thấy Biển Đông, nơi tàu của anh trai gặp nạn; các chiến sĩ lực lượng cứu nạn cùng nhiều tàu chuyên dụng, tàu cá của ngư dân vẫn đang tìm người thân của chị. Những hình ảnh ấy như lời chào và tiễn biệt của gia đình với anh em ngư dân ở lại biển khơi. “ Tôi biết các đơn vị, địa phương rất cố gắng tìm người trong nhiều ngày qua. Nhưng tôi vẫn muốn làm sao đưa các anh về quê nhà”, chị Huyền khóc nức nở.

Ngư dân trở về, nước mắt đoàn tụ lẫn nghẹn ngào biệt ly ảnh 3

Công tác tìm kiếm ngư dân chìm tàu vẫn đang thực hiện.

Ông Phan Trinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang chia sẻ, đối với sự cố hai tàu cá bị chìm là sự mất mát quá lớn, nỗi đau xé lòng cho tất cả chúng ta nói chung và những gia đình có người thân gặp nạn nói riêng. “Vì cuộc sống mưu sinh các ngư dân chúng tôi đã đánh đổi cả mạng sống của mình. Thiên tai ngày càng khốc liệt nhưng các ngư dân vẫn vươn khơi bám biển, một phần vì kế sinh nhai, một phần vì bảo vệ chủ quyền biển đảo. Rất mong các cấp lãnh đạo, ban, ngành địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ về tinh thần và vật chất để thuyền viên vượt khó khăn, vươn khơi bám biển trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang nghẹn ngào.

Trở về sau chuyến biển đầy may mắn lẫn đau thương còn lại ở khơi xa, anh em ngư dân vùng ven biển huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chưa biết đi biển nữa hay không. Họ chỉ biết rằng, nhân dân ở đây sống bằng nghề biển. “Không đi biển thì không biết làm gì. Quê hương đều dân biển mà”, ông Hồ Văn Quận xót xa.