Sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nhất trí việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu
Theo tờ trình của Chính phủ, Điều 71 dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì 20 năm như hiện nay.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu; đề nghị nghiên cứu để xác định trong Luật thời điểm chuyển xuống đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm là có thể hưởng chế độ hưu trí.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 17/8. (Ảnh: DUY LINH) |
Đối với quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, cho rằng mỗi phương án có ưu điểm riêng, Chủ tịch Quốc hội đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để hình thành một phương án.
Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như kinh tế chia sẻ, công nghệ nền tảng… với quan hệ lao động rất khác; từ đó xuất hiện các đối tượng lao động mới như lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa. “Cần nghiên cứu đưa các đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.
Tham gia ý kiến thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với đề xuất điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng.
Theo bà Thanh, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476 nghìn người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận lương hưu.
“Mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ khiêm tốn hơn nhưng người có thời gian đóng dài, đầy đủ sẽ có mức lương hưu hằng tháng ổn định, được đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động khi về già”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nói.
Mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ khiêm tốn hơn nhưng người có thời gian đóng dài, đầy đủ sẽ có mức lương hưu hằng tháng ổn định, được đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động khi về già.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Cũng quan tâm đến nội dung trên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, qua khảo sát, tổng hợp cho thấy việc điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu sẽ tạo điều kiện để người lao động có thể hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên.
Theo ông Phan Văn Anh, việc này phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và được người lao động rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, để khuyến khích người lao động có tuổi đời cao từ 45 tuổi trở lên tham gia bảo hiểm xã hội để được thực hiện chế độ hưu trí thì người lao động vẫn còn băn khoăn.
Bởi lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%. Do đó, vấn đề này đề nghị cần xem xét ở khía cạnh có hỗ trợ đối với đối tượng khi về hưu có thu nhập thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu.
Quy định rõ cơ chế giúp công khai, minh bạch Quỹ bảo hiểm xã hội
Liên quan đến rút bảo hiểm xã hội một lần, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ đây là một quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, song việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng trong thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới kinh tế-xã hội.
Hiện tại 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 77 của dự thảo đang thực hiện theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, mỗi một phương án đều có ưu, nhược điểm riêng.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có các nhóm giải pháp để đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, giúp họ duy trì cuộc sống như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, vấn đề việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp...
Về Quỹ bảo hiểm xã hội, khoản 4, điều 6 dự thảo Luật quy định Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Anh, dự thảo Luật chưa quy định rõ về cơ chế để quỹ được công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động. Dù vậy, hai đối tượng này lại được nắm bắt rất ít về mặt thông tin của quỹ. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc để công khai minh bạch, giúp quỹ thực sự đi vào cuộc sống.
Để giảm tối thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo dự thảo luật đưa ra.
Đồng thời đề nghị có thêm các quy định để định rõ các vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gia tăng.