Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt:

Nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp để làm rõ hướng đi cho khoa học

NDO - Nhấn mạnh tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể không thành công, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
0:00 / 0:00
0:00

Chưa thống kê được chi đầu tư phát triển khoa học công nghệ tại các địa phương

Chiều 7/6, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ là 12 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 8.800 tỷ đồng, địa phương là khoảng 3.200 tỷ đồng.

Nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp để làm rõ hướng đi cho khoa học ảnh 1
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trong 8.800 tỷ đồng ngân sách Trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ chi cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89%.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động này.

Theo Bộ trưởng, do tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể thành công hoặc không thành công. Bộ trưởng cho rằng, đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần thiết phải sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.

Về phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho biết, hiện vẫn thiếu các tổ chức trung gian để kết nối bên cung và bên cầu về công nghệ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách nên chưa khuyến khích việc chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp để làm rõ hướng đi cho khoa học ảnh 2

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp; tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu.

Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.

Đối với việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng nêu rõ đây là một mô hình mới, cần thời gian xem xét, đánh giá hiệu quả của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sau đó mới tiếp tục nhân rộng thành lập các địa phương khác.

Căn cứ vào hiệu quả và kết quả đầu ra để chi ngân sách cho khoa học công nghệ

Nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp để làm rõ hướng đi cho khoa học ảnh 3
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tại phiên chất vấn, làm rõ thêm về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, chi cho khoa học công nghệ chiếm 0,82% tổng chi ngân sách, trong đó chi đầu tư 0,23%, chi thường xuyên 0,58%.

Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách.

Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.

Thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để bảo đảm thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp để làm rõ hướng đi cho khoa học ảnh 4
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Giải trình về chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%, trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định bảo đảm từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.

Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.

Về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết hiện đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, theo đó đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới trong mạng lưới này. Đây là một nguồn lực hết sức quý giá để kết nối với trần lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước.

Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ chưa hiệu quả

Nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp để làm rõ hướng đi cho khoa học ảnh 5

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Giải trình về những vấn đề có liên quan tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, lĩnh vực khoa học công nghệ khá thuận lợi, có hành lang pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ.

Thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ nước ta cũng đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Nước ta cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.

Thừa nhận về những tồn tại trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là lĩnh vực mang tính liên ngành. Do vậy để giải quyết những tồn tại cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý…

Theo Phó Thủ tướng, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất.

Do vậy, cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức.

Liên quan vấn đề quản lý các quỹ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, bảo đảm tính ổn định, bền vững của quỹ…

Đồng thời, hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kể các chính sách lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn để triển khai trong thời gian tới.