Chính sách phát triển khoa học công nghệ phải là đòn bẩy, tạo môi trường thông thoáng

NDO - Đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ phải là đòn bẩy tạo môi trường thông thoáng. Nhà nước có thể giảm thuế, giúp đỡ, vinh danh những cá nhân, đơn vị muốn tham gia phát triển công nghệ chứ không nên làm thay.
0:00 / 0:00
0:00

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội bày tỏ kỳ vọng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, đánh giá khách quan về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các nhà khoa học hàng đầu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, các nội dung chất vấn đặt ra cho Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần này rất trọng tâm, trọng điểm, được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng muốn làm sao để khoa học và công nghệ xứng đáng là quốc sách hàng đầu song song với giáo dục và đào tạo.

Theo đại biểu, lĩnh vực khoa học và công nghệ thời gian qua có sự phát triển và đầu tư đúng mức, tuy nhiên cũng còn những mặt hạn chế nhất định.

Cụ thể, đầu tư cho khoa học và công nghệ hiện nay dường như ưu tiên chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, viễn thông, y tế, trong khi các lĩnh vực khác cũng có đầu tư nhưng chưa nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm khoa học công nghệ mang giá trị kinh tế cao do Việt Nam tạo ra còn hạn chế.

Chính sách phát triển khoa học công nghệ phải là đòn bẩy, tạo môi trường thông thoáng ảnh 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu Hòa cho rằng số lượng các nhà khoa học hàng đầu, ngang tầm quốc tế của Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay; đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, cả từ ngân sách và xã hội hóa, còn chưa thỏa đáng.

Các doanh nghiệp không quá mặn mà với việc rót tiền cho khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hầu như không có.

Đại biểu cũng chỉ rõ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay đang đặt ra một số bài toán lớn đối với Việt Nam, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực. Đại biểu nhấn mạnh cần phải tăng cường đầu tư ngân sách và thu hút xã hội hóa vào lĩnh vực khoa học & công nghệ, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Đồng thời, phải giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ quản lý về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo sự chuyển biến trong phát triển khoa học công nghệ.

Để nắm bắt cơ hội và hạn chế rủi ro do trí tuệ nhân tạo mang lại, đại biểu Hòa cho rằng cần phải có sự điều chỉnh luật. Cùng với đó, những người tạo ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo phải có quyền thương mại hóa và chế độ đãi ngộ hợp lý.

Đại biểu bày tỏ kỳ vọng, trong lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời đúng, trúng, đạt yêu cầu các câu hỏi đại biểu Quốc hội nêu, đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong nước như là quốc sách mà Đảng và Nhà nước đã xác định.

Chính sách phát triển khoa học công nghệ phải tạo môi trường thông thoáng

Chia sẻ bên hành lang nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc đánh giá hiệu quả, tính ứng dụng trong thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học là một việc không hề dễ làm.

Đại biểu bày tỏ mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ thể hiện được vai trò của mình trong điều hành, điều phối hoạt động khoa học công nghệ, làm sao đưa các thành tựu khoa học công nghệ đi vào đời sống.

“Ai cũng hiểu lợi ích của khoa học công nghệ là để tăng năng suất lao động, tính hiệu quả thể hiện ở trong đó. Tuy nhiên, tác động trực tiếp thì khó, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ có thể tác động bằng chính sách để khoa học công nghệ phát triển”, đại biểu Lan nói.

Chính sách phát triển khoa học công nghệ phải là đòn bẩy, tạo môi trường thông thoáng ảnh 3

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Theo đại biểu, việc phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay đang được tiến hành một cách “không giống ai”. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là tổng kết, đánh giá và từ đó có những đề xuất tham mưu, nếu cần sẽ thay đổi cơ chế chính sách, vì hiện nay vẫn còn tình trạng bao cấp.

“Không một quốc gia nào mà lấy tiền ngân sách để chi trả cho các đề tài nghiên cứu khoa học, vì từ đây sẽ phát sinh rất nhiều thứ về cơ chế xin-cho, tiêu cực, hiệu quả đánh giá nếu có sự bắt tay nhau để cùng đạt mục tiêu, nhưng mục tiêu sau cùng thì lại không đạt được”, nữ đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Thông tin thêm với phóng viên, đại biểu cho biết, đa số các nước phát triển đều xác định, việc nghiên cứu khoa học là việc của các doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp phải thấy được lợi ích khi áp dụng khoa học công nghệ, các kỹ nghệ mới vào trong hoạt động sản xuất của mình.

Muốn như vậy, họ phải tự động liên kết với các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, bản thân doanh nghiệp đổ tiền vào để nghiên cứu và sẽ có cách giám sát. Trong khi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng việc áp dụng mức thuế ưu đãi, thậm chí là miễn thuế đối với toàn bộ khoản tiền mà doanh nghiệp rót vào các đề tài nghiên cứu khoa học.

Đại biểu Lan cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ phải rà soát lại để có những đề xuất thay đổi. “Có thể cách làm của chúng ta đúng ở giai đoạn nào đó, nhưng bây giờ đã đến lúc thay đổi để cạnh tranh được với nước ngoài”.

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ phải là đòn bẩy tạo môi trường thông thoáng, có thể giảm thuế, giúp đỡ, vinh danh những cá nhân, đơn vị muốn tham gia phát triển công nghệ chứ không nên làm thay.