Tiến hành chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực
Định hướng chung cho nhiệm vụ xây dựng chính quyền số của thành phố Vĩnh Yên là Kế hoạch về Chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thành phố Vĩnh Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số thành phố Vĩnh Yên, giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, thành phố đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng trong hoạt động xây dựng chính quyền số. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Nguyễn Xuân Huy cho biết: Hoạt động công vụ được thực hiện ngày càng nhiều trên môi trường mạng như: sử dụng phần mềm quản lý văn bản; hóa đơn điện tử; hồ sơ sức khỏe, định danh và xác thực điện tử; dạy học trực tuyến…
Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và nhu cầu khai thác của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 98%.
Công an thành phố tiếp tục ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân định danh và xác thực điện tử, tích hợp thẻ bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Phòng Nội vụ đã hoàn thành việc thu thập, cập nhật, làm sạch dữ liệu chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ kết nối, chia sẻ, làm giàu dữ liệu dân cư; cập nhật và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thu học phí và các khoản thu dịch vụ không dùng tiền mặt; thu thập hoàn chỉnh thông tin định danh cá nhân của học sinh, giáo viên trên cơ sở dữ liệu ngành và xác thực đồng bộ số định danh với cơ sở dữ liệu về dân cư.
Phòng Tư pháp đang triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch. Các dữ liệu đăng ký hộ tịch được cập nhật, lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Thành phố tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Số lượng người dân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.
Đáng chú ý, chuyển đổi số đã về đến xã, phường và với từng người dân với những cách làm thực chất. Tại phường Khai Quang, việc quản lý hơn 18.000 nhân khẩu dễ dàng hơn rất nhiều do áp dụng quản lý công dân điện tử.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, ông Nguyễn Triệu Biên trao đổi: Hoạt động chứng thực, thủ tục đối với doanh nghiệp được rút ngắn thời gian nhờ các phần mềm, chữ ký số. Việc cấp giấy chứng tử chỉ mất vài phút nếu người dân chuyển thông tin xác thực qua mạng cho công chức trước khi đến phường làm thủ tục.
Cải thiện hạ tầng số, đào tạo nhân lực
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Vĩnh Yên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng thông tin, cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Công chức phường Ngô Quyền đang vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh. |
Hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn thành phố đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến 9/9 xã, phường và 111 thôn, tổ dân phố. Các trạm thu phát sóng thông tin di động đã phủ sóng di động 3G, 4G toàn thành phố.
Toàn thể cán bộ, công chức của thành phố được trang bị máy tính để làm việc. Hệ thống hội nghị trực tuyến được kết nối tới 9 xã, phường phục vụ các cuộc họp.
Hệ thống camera giám sát an toàn giao thông, an ninh trật tự đang phát huy hiệu quả trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, thu thập xử lý thông tin, phát hiện và ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao thông.
Hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp xã, phường, hệ thống thông tin cơ sở phục vụ chính quyền điện tử được hoàn thiện. Tất cả 9 xã, phường đã triển khai sửa chữa, nâng cấp, thay thế hệ thống đài truyền thanh.
Tại phường Ngô Quyền, đơn vị được lựa chọn làm thí điểm chuyển đổi số, hệ thống đài truyền thanh thông minh đang vận hành thử nghiệm. Hệ thống này có thể chuyển văn bản thành giọng nói, có chức năng hẹn giờ phát thanh, điều khiển từ xa bằng điện thoại. Việc phát thanh trực tiếp rất tiện lợi và không bị nhiễu sóng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nguyễn Đình Công cho biết: Công dân đến trụ sở phường sẽ được cán bộ hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trên môi trường mạng. Người dân của phường dần quen với sử dụng các phần mềm, quét mã QR khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thời gian qua, cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đã tham gia các lớp đào tạo về chuyển đổi số do tỉnh tổ chức. Cán bộ, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường tham gia chương trình bồi dưỡng chuyển đổi số theo hình thức trực tuyến. Người hoạt động không chuyên trách, đại diện các hộ dân được tham gia tập huấn chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà Onetouch.
Thanh niên thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VneID. (Ảnh: Dương Hà) |
Hai năm qua, thành phố tổ chức 4 hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho 100% cán bộ, công chức, viên chức ở cấp thành phố, cấp xã, phường và các Tổ công nghệ số cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về chính quyền điện tử.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hoàng Đình Thuật thông tin: Thực hiện Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, thành phố đã thực hiện được 10/12 mục tiêu, hoàn thành 10/17 nhiệm vụ đặt ra. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền các chương trình, nội dung chuyển đổi số của tỉnh và của thành phố.